Điều 29 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự như sau:
“1. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là cơ quan được quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này. Trường hợp cơ quan này đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc có sự uỷ thác thực hiện công vụ thì việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 14 của Luật này.
2. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự phải bồi thường thiệt hại đã phát sinh trong các giai đoạn tố tụng trước đó”.
Theo Điều 30 Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNNPTNT, cơ quan điều tra có trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp sau:
“a) Đã ra quyết định tạm giữ người, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền đã có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;
b) Đã ra quyết định khởi tố bị can, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội;
c) Đã ra quyết định tạm giữ người, nhưng sau đó tự hủy bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tạm giữ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.
Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp quy định tại Điều 31 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước như sau:
1. Đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra có thẩm quyền nhưng người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;
2. Đã phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội...
Tòa án các cấp chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp quy định tại Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước theo nguyên tắc tòa án cấp dưới chịu bồi thường khi tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm, xét xử theo thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội hoặc không cấu thành tội phạm.
Về căn cứ xác định thiệt hại
- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm: khoản 1 Điều 45 Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước quy định: “Trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ hao mòn của tài sản đã bị phát mại, bị mất trên thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường”.
- Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: “Cá nhân, tổ chức có thu nhập mà xác định được thì được bồi thường theo thu nhập thực tế bị mất”.
- Thiệt hại do tổn thất về tinh thần: khoản 2 Điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù”.
Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT, một ngày lương tối thiểu được xác định bằng việc lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường chia cho 22 là số ngày làm việc bình quân của mỗi tháng.
Tuy nhiên, với từng vụ việc có độ phức tạp khác nhau, để xác định được căn cứ tính mức thiệt hại không phải dễ dàng. Trên cơ sở những vướng mắc và khó khăn đó, pháp luật đang xây dựng dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước (sửa đổi ) để hoàn thiện hơn về vấn đề này, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người bị thiệt hại.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội