Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở…”.
Bên cạnh đó, điều 83 quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Do đó, việc chồng cũ gây khó dễ khi bạn đến thăm, đón con là vi phạm pháp luật.
Về việc thay đổi người nuôi con sau ly hôn
Điều 84 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 điều này, tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình…”.
Do đó, trong trường hợp này nếu bạn muốn được nuôi cả hai con thì có thể nộp đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con đến Tòa án có thẩm quyền để đề nghị giải quyết (kèm theo đơn bạn có thể cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của bạn là có căn cứ như: bản chứng minh thu nhập của bạn và chồng cũ, chứng cứ về việc chồng bạn thường xuyên đi làm và không chăm sóc tốt cho con…).
Tòa án sẽ xem xét các điều kiện nuôi con của hai bên, cả nguyện vọng của con bạn (nếu cháu bé từ đủ 7 tuổi trở lên), tình hình thực tế và các quy định của pháp luật để quyết định.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội