Người lập di chúc có thể lựa chọn một trong 3 loại gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Tuy nhiên, để khách quan và có cơ sở xác định người lập có tỉnh táo, minh mẫn, có bị đe dọa, lừa dối hay không, người để lại tài sản thường lựa chọn di chúc có người làm chứng hoặc có công chứng, chứng thực.
Di chúc phải ghi rõ: ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; di sản để lại và nơi có di sản; việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Liên quan đến người làm chứng, pháp luật về thừa kế quy định mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Nếu bạn lựa chọn hình thức di chúc được công chứng hoặc chứng thực thì cần liên hệ với một cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã đề nghị chứng nhận di chúc.