Theo quy định tại khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự, những người thừa kế theo pháp luật được chia thành ba hàng thừa kế; hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Theo quy định trên, con nuôi của người chết thuộc hàng thừa kế thứ nhất, do vậy cũng được thừa kế tài sản của người chết để lại.
Tuy nhiên cần lưu ý: Không phải tất cả những người được nhận là “con nuôi” đều có thể được thừa kế tài sản của người chết để lại.
Theo quy định tại Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình, người được nhận làm con nuôi phải là người từ 15 tuổi trở xuống. Người trên 15 tuổi cũng có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn.
Ngoài ra, Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định “Việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào Sổ hộ tịch”.
Như vậy, nếu người được cha mẹ nuôi nhận nuôi từ khi dưới 15 tuổi (hoặc thuộc các trường hợp trên 15 tuổi vẫn được làm con nuôi) và việc nhận nuôi con nuôi được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định thì người được nhận nuôi sẽ được quyền thừa kế tài sản của cha mẹ nuôi để lại, bình đẳng với các con đẻ của người chết.