Theo điều 3, điều 4 và điều 5 Nghị định 27/2010/NĐ-CP, trong trường hợp cần thiết như: thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị - xã hội; các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp... người có thẩm quyền được quyền huy động các lực lượng cảnh sát khác phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông, trong đó có công an phường, xã.
Việc huy động này được thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động.
Theo điểm b khoản 2 điều 9 Nghị định 27/2010/NĐ-CP, khi phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lực lượng cảnh sát khác và công an xã có nhiệm vụ:
- Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của cảnh sát giao thông đường bộ và theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng...
Theo Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có quyền:
- Dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ;
- Kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện;
- Kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật;
- Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật…
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 72 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Trưởng công an cấp xã (xã, phường, thị trấn) có thẩm quyền phạt tiền đến 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.