Toà phúc thẩm bác kháng cáo của các bên và kháng nghị của VKS, buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường cho Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (VinaSun).
Theo HĐXX, Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải cho phép Grab thực hiện thí điểm cung cấp ứng dụng kết nối hợp tác xã vận tải với khách hàng, song thực tế Grab kinh doanh vận tải bằng xe taxi. Grab hoạt động tương tự doanh nghiệp kinh doanh vận tải như: điều động xe, hành trình xe, giá cước, trực tiếp nhận tiền từ khách hàng; triển khai các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng...
Grab cũng là bên giải quyết các khiếu nại từ khách hàng. Những tài xế không làm vừa lòng khách hàng có thể hãng này khấu trừ vào thu nhập. Điều đó chứng minh Grab sử dụng phần mềm khiến các đối tác phụ thuộc vào sự quản lý của mình.
Toà cho rằng, bị đơn tự ý quyết định giá cước và ăn chia theo tỷ lệ nhất định với tài xế, tiếp nhận phản hồi khách hàng để quyết định thưởng phạt. Điều này mang đặc thù hoạt động vận tải nhưng chỉ chịu sự quản lý theo hoạt động thương mại điện tử.
"Cách thức trên của bị đơn không phải cung cấp ứng dụng kết nối theo Đề án 24 mà là kinh doanh vận tải taxi, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về kinh doanh vận tải taxi, cụ thể là Nghị định 86/2014, Thông tư 63 của Bộ Giao thông Vận tải", bản án nêu và cho rằng Grab phải thực hiện các quy định về giấy phép kinh doanh, người lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế....
HĐXX ghi nhận lợi ích Grab mang lại cho người dân và thị trường vận tải. Tuy nhiên, hình thức này đã "biến tướng, núp bóng", mô hình kinh tế chia sẻ này đã và đang đem lại nhiều hệ lụy, kể cả kinh tế và xã hội. Grab không phải đóng thuế giống các doanh nghiệp vận tải, không phải đóng logo, không bị kê khai giá, không bị đóng thuế bảo hiểm cho người lao động...
Tòa phúc thẩm cho rằng, nếu Grab kinh doanh vận tải phải thực hiện đúng Nghị định 86 và Thông tư 63, cũng như các quy định khác về giá cước, khuyến mãi. Đây là những căn cứ khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của Grab và có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại của Vinasun.
HĐXX nhận định, thiệt hại của Vinasun sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường có nhiều nguyên nhân, trong đó có hành vi vi phạm của Grab gây ra nhưng không thể tách bạch. "Tòa sơ thẩm chấp nhận số tiền thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng là có tính chất tương đối, hợp tình hợp lý, nên không chấp nhận kháng cáo của bị đơn", bản án nêu và cho rằng tại tòa hôm nay Vinasun tiếp tục kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào khác chứng minh nên cũng không được chấp nhận.
Tháng 6/2018, Vinasun kiện Grab vi phạm "Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Công ty này đòi Grab bồi thường gần 42 tỷ đồng cho những thiệt hại từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2017.
Hồi cuối năm 2018, TAND TP HCM tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng – thiệt hại do chi phí xe phải nằm bãi từ khi Grab hoạt động tại Việt Nam. Tòa cấp sơ thẩm cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để quản lý, tránh làm thất thoát thuế, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh.
Grab kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Theo bị đơn, TAND TP HCM không có thẩm quyền xét xử vụ án mà thẩm quyền giải quyết thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Chưa kể tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng không triệu tập nhân chứng là đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Công ty Cửu Long (công ty giám định theo chỉ định của tòa) dự phiên xử.
Bị đơn cho rằng mình không kinh doanh vận tải mà chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ, không vi phạm pháp luật nên không chấp nhận các yêu cầu của Vinasun. Nguyên đơn cũng không chứng minh được thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab với thiệt hại (nếu có) của Vinasun.
Hải Duyên