Chiều 12/6, TAND tỉnh Hoà Bình trong phiên phúc thẩm tiếp tục xét hỏi Hoàng Công Lương và bốn bị cáo trong vụ án 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.
Được gọi lên trả lời thẩm vấn đầu tiên, Lương khai cuối năm 2010 được cử đi học lớp lọc máu cơ bản tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Về lại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình, Lương nhận nhiệm vụ tại đơn nguyên thận nhân tạo cùng bác sĩ Huyền, Linh. Theo quy định, bệnh án phải có chữ ký của người được cấp đầy đủ chứng chỉ hành nghề thì mới thanh toán được bảo hiểm y tế. Hai bác sĩ Huyền và Linh chưa được đào tạo nên chưa đủ thẩm quyền để ký vào hồ sơ bệnh án. Vì thế, Lương là người ký y lệnh chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân.
Chủ toạ cho hay Lương là bác sĩ điều trị được đào tạo chuyên môn và lọc máu mà chỉ nghe điều dưỡng thông báo đã cho vận hành ngay máy chạy thận là nguy hiểm cho bệnh nhân. Lương có trách nhiệm cao nhất trong ba bác sĩ bởi có chữ ký của Lương mới được ra y lệnh chạy thận.
Các bệnh nhân chạy thận nêu trên không phải trường hợp cấp cứu nên nếu Lương thận trọng hơn sẽ không xảy ra chết người. Lương buộc phải biết nếu không xét nghiệm nước mà đưa vào máy để chạy thận ngay sẽ có nguy cơ gây tử vong với bệnh nhân. "Hành vi của Lương là vô ý, cẩu thả", chủ toạ nói.
Được gọi lên xét hỏi sau đó, bị cáo Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình) cho biết Khoa hồi sức tích cực giao Lương trực tiếp phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, tuy nhiên không có văn bản, chỉ trao đổi miệng.
"Bị cáo có báo cáo với giám đốc để bổ nhiệm không?", HĐXX truy vấn. Ông Khiếu đáp đã báo cáo với Giám đốc về việc phân công nhiệm vụ cho Lương, quyền bổ nhiệm thuộc về Ban giám đốc bệnh viện.
Ông Khiếu nói các hoạt động chuyên môn ở bệnh viện đều giải quyết qua cuộc họp giao ban hàng ngày. "Thực tế là quy trình từ trên xuống dưới là chưa có, toàn làm việc theo thói quen", ông nói.
Trong phiên làm việc chiều nay, TAND tỉnh Hoà Bình dành hơn một tiếng xét hỏi về nội dung hợp đồng 315 cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.
Bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình) cho biết hợp đồng được ký với ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Thiên Sơn) trong chiều 25/5/2017 ngay tại bệnh viện.
Bệnh viện đa khoa Hoà Bình chỉ làm việc với Công ty Thiên Sơn chứ không làm việc với Công ty Trâm Anh của giám đốc Bùi Mạnh Quốc. Bệnh viện chỉ nghiệm thu kết quả sửa chữa với Thiên Sơn. Ông Dương không rõ với tư cách gì mà Quốc lên bệnh viện sửa chữa thiết bị, bởi Quốc chỉ thông qua cán bộ phòng vật tư.
Cho rằng mình có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị cáo Trương Quý Dương xin được miễn trách nhiệm hình sự hoặc xin hưởng án treo.
"Mức án thế nào là do HĐXX cấp phúc thẩm quyết định, bị cáo xin được tự đánh giá trong điều kiện như vậy, những gì có thể làm được bị cáo đã cố gắng hết sức. Sự cố y khoa này là hy hữu, cả thế giới chỉ có 1-2 vụ, bản thân bị cáo và các bị cáo khác không lường hết được", ông Dương nói.
Nhận trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sự cố, ông Dương cho hay ngày 29/5/2017 khi Lương ký y lệnh có 18 máy chạy thận hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo, trong đó 5 máy thuộc quyền sở hữu và khai thác của Thiên Sơn, 13 máy còn lại là của bệnh viện.
Được gọi lên xét hỏi ngay sau đó, bị cáo Tuấn khẳng định Quốc chỉ là đối tác được Thiên Sơn thuê lại để sửa chữa hệ thống lọc nước theo hợp đồng 315 nêu trên. Sau khi sửa chữa, Quốc chưa báo cáo kết quả đã bàn giao cho bệnh viện hay chưa. Khi Thiên Sơn chưa nhận bàn giao thiết bị sau sửa chữa, bệnh viện đã tự ý đưa thiết bị vào sử dụng và để xảy ra sự cố làm 9 người chết.
Đối chất các lời khai trên, phạm nhân Bùi Mạnh Quốc (bị toà triệu tập) cho hay, mỗi lần Quốc tới làm việc tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình đều có người của công ty Thiên Sơn đi cùng, nói "lên để kiểm tra". Trước ngày 28/5/2017, gười của công ty Thiên Sơn gọi điện yêu cầu Quốc ngày 28/5/2017 mang vật tư lên để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2.
Theo cáo buộc, sau khi ký hợp đồng 315 với Bệnh viện Hoà Bình, bị cáo Tuấn không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hoá, sửa chữa. Tuấn cũng không nhắc Quốc về đảm bảo nguồn nước để sau sửa chữa, máy đưa vào sử dụng mà chưa có kết quả xét nghiệm nước và bàn giao nghiệm thu.
Từ hành vi thiếu trách nhiệm của ông Tuấn, Quốc tự ý dùng những hoá chất chưa được Bộ Y tế cấp phép để khử khuẩn thiết bị dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tại bản án sơ thẩm, Hoàng Công Lương bị phạt 42 tháng tù do phạm tội Vô ý làm chết người. Bị cáo Trương Quý Dương 30 tháng tù, Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư) 36 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc Bệnh viện) 36 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn 30 tháng tù cùng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng vật tư) và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) không kháng cáo, chấp nhận bản án 42 và 54 tháng tù.
Trong phiên phúc thẩm, Lương rút lại kháng cáo xem xét tội danh, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Bốn bị cáo còn lại giữ nguyên kháng cáo kêu oan.
Gia đình các bị hại kháng cáo đòi tăng tiền bồi thường, yêu cầu toà chấp nhận toàn bộ chi phí mai táng theo phong tục địa phương và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho Hoàng Công Lương. Bị đơn dân sự là Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn kháng cáo toàn bộ trách nhiệm bồi thường dân sự.