Theo nội dung vụ án, 12h ngày 12/12/2001, bà Hoàng Thị Kim A (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) được phát hiện chết trong phòng ngủ với nhiều vết thương ở đầu và mặt, các vật dụng trong nhà bị lục tung. Người nhà cho biết bị mất 60-80 triệu đồng và 5-6 lượng vàng. Công an TP HCM thu được dấu vân tay được cho là của hung thủ tại mặt trong hộc tủ.
Sau khi lấy mẫu vân tay của nhiều người, cơ quan giám định kỹ thuật hình sự Công an TP HCM kết luận: "Dấu vân tay phát hiện bên trong hộc tủ bằng gỗ ở phòng ngủ nạn nhân với dấu tay ngón “nhẫn phải” trên chỗ bản mẫu so sánh mang tên Trương Bá Nhàn là do ngón tay của cùng một người in ra”. Cho rằng ông Nhàn là hung thủ, đầu tháng 1/2002, cảnh sát đã bắt giam ông này.
Ông Trương Bá Nhàn. Ảnh: T. T. |
Quá trình điều tra, ông Nhàn kêu oan, giải thích là anh em bà con với chồng nạn nhân, thường qua lại như người một nhà. Khoảng một tuần trước khi xảy ra vụ án, ông vào phòng ngủ kê giùm tủ cho bà A, chắc có đụng tay vào hộc tủ đựng tiền nên để lại dấu vân tay. Buổi sáng hôm xảy ra vụ án, ông cùng người bạn đi bỏ mối khẩu trang ở khu vực quận Bình Thạnh đến 10h15' thì về. Khoảng 11h30' ông đến phòng khám ở quận Thủ Đức chờ đến 12h để khám răng. Khoảng thời gian ngoại phạm này, ông đều có nhân chứng xác minh.
Cơ quan điều tra không chấp nhận việc ngoại phạm của ông Nhàn từ 10h15' đến 11h30 trong khi dấu vân tay của ông này để lại tại hộc tủ đựng tiền nhà nạn nhân. Cơ quan điều tra kết luận ông Nhàn là hung thủ giết người và cướp tài sản. VKSND TP HCM truy tố ông Nhàn đến mức hình phạt tử hình và chuyển sang TAND TP HCM để xét xử.
Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, người thụ lý vụ án này cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ, ông nhận thấy có "nhiều tình tiết mâu thuẫn, chứng cứ buộc tội bị cáo chưa thuyết phục" nên đã yêu cầu điều tra bổ sung. "Muốn chạy từ nhà ông Nhàn ở quận Bình Thạnh đến nhà nạn nhân ở quận Tân Bình đã gần hết một tiếng. Như vậy khoảng thời gian từ 10h15' đến 11h30 ông Nhàn có thể vừa đến nhà nạn nhân, vừa gây án và trốn khỏi đó không, chưa được làm rõ. Kể từ khi trả hồ sơ để điều tra lại, chúng tôi không thấy VKS chuyển lại tòa", thẩm phán Nghĩa nói.
Đến ngày 8/6/2006, cho rằng “đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can", Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đình chỉ điều tra bị can với ông Nhàn. 3 tháng sau, ông Nhàn gửi đơn đến VKSND TP HCM yêu cầu được xin lỗi công khai tại nơi cư trú, đăng cải chính trên báo và được bồi thường gần 900 triệu đồng gồm các khoản về tổn thất tinh thần, sức khỏe, mất thu nhập...
Sau 6 năm chờ đợi, cuối tháng 12/2012, ông Nhàn tiếp tục gửi hồ sơ đến VKSND TP HCM đòi bồi thường. Đồng thời, ông cũng gửi đơn đến Cục Bồi thường Nhà nước nhờ xem xét. Gần 2 tháng sau, cơ quan này đã có văn bản trả lời "trường hợp này được bồi thường oan sai theo quy định của pháp luật" và cơ quan phải giải quyết là VKSND TP HCM. Cục cũng gửi công văn đến VKSND Tối cao để kiểm tra, xem xét nhằm có hướng chỉ đạo giải.
Giọng chậm chạp, ông Nhàn kể, từ ngày bị vướng lao lý, cuộc sống gia đình ông đảo lộn hoàn toàn. Ngày ông bị bắt, người vợ đang mang thai 6 tháng bị suy sụp, mấy héc ta cà phê đang vào mùa thu hoạch cũng bỏ bê. Sau này, bố mẹ ông phải bán non để lấy tiền thăm nuôi. Còn khi được trả tự do, ông mang mặc cảm của người không còn tiền bạc, tài sản, lại bị gia đình vợ hiểu lầm nên hạnh phúc từ đó đổ vỡ. Ông lang thang lên Bình Phước tá túc ở nhà người quen rồi làm nhiều nghề kiếm sống. Sau này, ông lại chuyển lên Đăk Lăk đi làm rẫy thuê cho đến bây giờ.
"Bao nhiêu năm nay, tôi chờ đợi ngày mình được minh oan, được nhận một lời xin lỗi chân thành và được khôi phục những quyền lợi chính đáng được hưởng nhưng cơ quan chức năng mãi không đoái hoài", ông Nhàn nói.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo VKSND TP HCM cho biết vừa nhận được đơn của ông Nhàn, sắp tới sẽ mời ông này lên giải quyết. Giải thích lý do Viện chậm trễ giải quyết đơn, vị này bảo "do tính chất phức tạp của vụ án".
Hải Duyên