Nguyễn Minh Hùng tại tòa. Ảnh: N.H |
Chị Nguyễn Thị Hằng nghẹn giọng khi kể về cái ngày công an tỉnh bất ngờ ập tới nhà, bập chiếc còng rỉ sét vào tay chồng chị rồi lật tung cả nhà lên khám xét, lấy đi một chiếc áo sơ mi màu đỏ. Họ bảo rằng, anh bị bắt vì tội mua bán ma túy. Và chỉ có thế, từ đó chị bặt tin anh.
Hơn một năm sau, chị mới biết tường tận về vụ án khi nghe bản cáo trạng của Viện kiểm sát công bố tại tòa. Họ xác định, chồng chị là Nguyễn Minh Hùng buôn bán cái chết trắng với số lượng lên tới 25 bánh, căn cứ vào số điện thoại trong sổ ghi hàng của một bị cáo trong vụ án và chiếc áo đỏ thu giữ tại nhà. Trước đó, bị cáo này có lời khai, đã hai lần nhận heroin từ một người lạ mặt, mặc áo đỏ, đi xe Cub 82 và người đó được chỉ rõ là Hùng.
Bản án sơ thẩm chấp nhận lời buộc tội trên và tuyên phạt chồng chị mức án tử hình dù cho anh luôn miệng kêu oan. Còn chị cũng vẫn vững niềm tin rằng anh không có tội bởi anh của chị vốn hiền như đất, đã khi nào dùng điện thoại đâu mà liên lạc giao hàng. Nhà chị cũng chẳng có chiếc Cub trên, cái áo đỏ là của thằng em trai chồng chị. Mà anh của chị quanh năm chỉ cặm cụi với nương rẫy, túi chẳng khi nào có tiền trăm huống hồ buôn thứ hàng chết người ấy, chả phải người ta vẫn bảo những kẻ buôn thứ này, một phải lời mười, mười phải lời trăm....
Đọc đi đọc lại đến thuộc lòng bản cáo trạng hàng chục trang, chị vui đến phát điên khi tìm ra chứng cứ ngoại phạm cho chồng. Ngày người ta cáo buộc anh đi giao hàng lại là ngày vợ chồng chị đi địa đạo Củ Chi chơi. Chị còn nhớ rất rõ, trên đường về mưa tầm tã, nhà thì còn xa, lại thấy mệt nên anh chị thuê nhà nghỉ ở. Cũng đêm hôm đó, chị phải vào viện cấp cứu vì có thai ngoài tử cung mà không biết.
Thế rồi, chị cấp cập gửi thằng bé chỉ hơn 3 tháng tuổi đi bú nhờ, lặn lội đi xin xác minh. Trời còn thương, khi cuốn sổ ghi khách tạm trú được bà chủ nhiều lần định đem đốt bỏ, không hiểu sao vẫn còn giữ lại. Cảm thông cho hoàn cảnh của chị, họ hết lòng giúp đỡ. Nhưng khi đến bệnh viện, chị chết điếng khi nơi này từ chối xác nhận vì người bị bệnh ngày này năm đó, đúng tên Hằng nhưng không đúng họ dù người đứng khai chính xác là tên anh. Chị hiểu rằng, trong lúc quýnh quáng, anh chồng nông dân đã khai nhầm họ vợ nhưng người ta thì không dễ dàng chấp nhận như thế. Và không biết bao nhiêu ngày, lên xuống, chầu chực nơi phòng ông giám đốc, biết bao nhiêu lần thay đi đổi lại những cái đơn cho phẳng phiu sạch sẽ, đúng yêu cầu, chị mới được ký vào giấy xác nhận.
Với những chứng cứ chị cung cấp, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm vì có nhiều điểm mâu thuẫn, đồng thời giao cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Lần đầu tiên trong hành trình đi kêu oan cho chồng, chị thấy được ánh sáng hy vọng, mong chờ ngày đón anh trở về. Nhưng khổ cho vợ chồng chị, quá trình điều tra sau đó của cơ quan Tây Ninh vẫn giữ nguyên quan điểm trước đó bằng việc xác định lại ngày giao hàng của anh sau những lời khai lại của bị cáo nọ.
Nhưng chị không nản, lại lặn lội về từng vùng quê khác nhau của cả chục đứa bạn hồi đi học để nhờ chứng minh rằng ngày hôm đó vợ chồng chị cùng dự sinh nhật với chúng. Chị cũng bới tung mọi xó xỉnh trong nhà, hỏi thăm hết anh em chòm xóm để tìm cho được những tấm hình chụp thằng em chồng mặc chiếc áo đỏ. Những chứng cứ này được chị trình lên phiên tòa nhưng tòa sơ thẩm tiếp tục tuyên chồng chị mức án cao nhất với lý do lời khai của các nhân chứng không thống nhất.
Thêm một lần nữa chị hy vọng sự minh định của tòa cấp trên và cũng thêm một lần nữa chị phải tiếp tục chờ đợi. Tại phiên xử đã xuất hiện tình tiết mới khi bị án từng khẳng định chồng chị là một mắc xích trong vụ án giờ lại ăn năn, hối hận thừa nhận sau nhiều đêm mất ăn mất ngủ mới nhận thấy mình mơ hồ trong nhận dạng. Người này tha thiết xin tòa minh oan cho tử tù Hùng nên lần thứ hai cấp phúc thẩm buộc phải hủy án, trả hồ sơ điều tra lại.
Chị tâm sự rằng trước phiên tòa này, chị hy vọng biết bao... nhưng giờ thì mẹ con chị lại tiếp tục sống trong những tháng ngày phập phòng lo sợ. Chẳng biết, bản án tiếp theo cho anh sẽ là gì và chợt rùng mình khi nghĩ về điều tồi tệ nhất. Vậy nhưng chị bảo vẫn thấy có chút vui, vẫn thấy được an ủi vì mỗi ngày, vụ án của chồng chị lại tiến thêm một bước, mỗi ngày chị lại có thêm một ít niềm tin.
Hỏi chị đã bao giờ tuyệt vọng, muốn buông xuôi? Chị ứa nước mắt rằng nhiều lắm chứ, rằng biết bao lần đã định tìm đến cái chết. Đó là khi chị phát hiện có thai, chỉ sau ngày anh bị bắt vài hôm. Đó là khi chị hoang mang, lo sợ, vác cái bụng bầu lê la hỏi thăm tình hình của chồng nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, những cái khoác tay xua đuổi và cả những cái đóng cửa lạnh lẽo. Đó là khi chị bị đồng nghiệp xa gần rằng, chị dạy học sinh mà chồng lại phạm tội tày đình... nhưng mỗi lần như thế, tiếng kêu oan tha thiết của anh lại thúc đẩy chị, mỗi lần như thế chị lại thấy mình có lỗi, bởi con chị cần có cha và chị cũng cần anh biết nhường nào.
Chị xót xa khi kể về ngày đầu tiên bố con anh gặp mặt. Đó chỉ là những giây phút ngắn ngủi khi anh được dẫn giải ra xe về trại. Dù trước đó bị biệt giam, chẳng không biết mình có con nhưng thấy chị ẵm bồng và linh cảm được nên anh cố lao ra để được chạm vào thằng bé chưa đầy 4 tháng tuổi, quấn trong chăn. Chị cũng xót xa khi kể về những ngày vào thăm anh, thấy anh gầy hốc hác, thấy anh tuyệt vọng bật khóc nhưng chị thì không bao giờ rơi lệ. Trước mặt anh, chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, lúc nào cũng phải vui vẻ, lạc quan, nói với anh về những chứng cứ mới để an ủi, động viên, để anh đừng nghĩ quẩn mà làm bậy. Nhưng chỉ khi vừa ra khỏi trại chị nức nở như một đứa trẻ bởi chị thương anh, bởi đôi lúc chính chị còn tự nghi hoặc rằng "Liệu có hi vọng gì không?..."
Kết thúc câu chuyện, chị cười buồn, lý giải rằng có lẽ số chị long đong, ông trời còn muốn trêu đùa, thử thách vợ chồng chị nên mới thế. Nhưng dù chưa biết những nỗ lực của mình sẽ có kết quả thế nào nhưng người phụ nữ nhỏ bé này luôn mang bên mình niềm tin vững chắc rằng "chồng tôi không phải là một kẻ buôn bán ma túy".
Nguyễn Hải