Cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, Mỹ phải đối diện với làn sóng không tặc lớn chưa từng thấy, với hơn 130 vụ đã xảy ra. Lực lượng cảnh sát hàng không cũng gặp khó khăn khi đối đầu với những tên không tặc vì chỉ cần một viên đạn lạc cũng có thể khiến máy bay gặp nạn.
Nạn không tặc cùng một số trường hợp khẩn cấp khác (như khống chế người bị bệnh thần kinh) khiến nhà chức trách Mỹ cần loại vũ khí có thể vô hiệu hóa nhưng không giết kẻ tấn công.
Từ năm 1969, Jack Cover – nhà nghiên cứu của NASA – bắt đầu nghiên cứu thiết bị có thể khống chế kẻ chống đối mà không phải dùng tới đạn. Sau khi bắt gặp bài báo về người đàn ông bị điện giật cứng người trong thời gian ngắn nhưng vẫn sống sót, Jack nảy ra ý tưởng về loại súng bắn ra luồng điện.
Chiếc súng điện đầu tiên được Jack cho ra đời năm 1974 với cái tên súng Taser, bao gồm nguồn điện nối với hai chiếc phi tiêu ngắn bằng dây cách điện. Dòng điện của súng lên tới 50.000 V chạy trong 5 giây, có thể vô hiệu hóa mục tiêu trong phạm vi 4,6-11 m bằng cách gây ra những cơn co giật cơ bắp không thể kiểm soát được.
Khi hai đầu phi tiêu tiếp xúc với cơ thể người, chúng tạo thành mạch kín cho dòng điện chạy qua, gây đau đớn tạm thời và tác động đến hệ thống thần kinh trung ương khiến không còn khả năng phản kháng.
Tuy vậy, súng Taser không gặt hái được thành công vang dội ngay từ đầu. Vì cơ chế đẩy phi tiêu bằng thuốc súng, thiết bị này được liệt vào hạng mục súng đạn, từ đó tạo tâm lý lo ngại cho các phòng cảnh sát và bị cấm bán cho người dân. Sở Cảnh sát thành phố Los Angeles hai lần từ chối Taser và chỉ bắt đầu sử dụng vào năm 1980, sau khi nhân viên của cơ quan này bắn chết một phụ nữ khi giải quyết tranh chấp liên quan tới hóa đơn tiền gas chưa trả.
Tới năm 1993, súng Taser mở rộng đáng kể thị trường sau khi Jack giới thiệu phiên bản dùng cơ chế đẩy phi tiêu bằng khí nén, từ đó cho phép loại thiết bị này được bán cho người dân.
Từ đó tới nay, súng Taser dần được dùng phổ biến và trở thành công cụ không thể thiếu của mỗi người cảnh sát Mỹ khi đi tuần. Các cơ quan chấp pháp phần lớn đều ủng hộ súng Taser vì nó không những bảo vệ cảnh sát trước những tên tội phạm bạo lực mà còn cứu tính mạng chính bản thân nghi phạm. Hiện, hơn 13.400 cơ quan cảnh sát trên thế giới sử dụng súng Taser, 375.000 cảnh sát viên mang theo thiết bị này trong khi làm nhiệm vụ, theo Police One.
Nghiên cứu kéo dài 5 năm và công bố vào năm 2011 của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ ra rằng rủi ro nghi phạm bị thương tích khi cảnh sát dùng Taser để bắt giữ giảm 60% so với những vụ bắt giữ không dùng tới thiết bị. Một nghiên cứu khác về phòng cảnh sát thành phố Houston, bang Texas cho thấy số lượng yêu cầu bồi thường tai nạn lao động của cảnh sát viên cũng giảm 93% sau khi sử dụng súng điện. Bản thân công ty Taser cũng khẳng định rằng thiết bị này đã giúp cứu sống hơn 200.000 người.
Tuy vậy, dù được liệt kê vào loại thiết bị "phi sát thương", vẫn có một số trường hợp tử vong do hoặc có liên quan tới súng Taser. Theo Reuters, cho tới năm 2018, tại Mỹ đã có hơn 1.000 trường hợp tử vong (người mắc chứng bệnh thần kinh, suy sụp cảm xúc, và rối loạn co giật) sau khi cảnh sát dùng súng điện cùng với những dạng vũ lực khác. Công ty Taser cũng thừa nhận sản phẩm của mình nếu dùng liên tục hoặc quá lâu trên cơ thể người có thể gây ra khó thở hoặc tử vong, đặc biệt là khi ở trong trạng thái kích động mạnh.
Một số tổ chức về quyền dân sự cho rằng súng điện tạo tâm lý "lười biếng" cho cảnh sát, khiến họ tùy tiện sử dụng mà không cân nhắc toàn cảnh. Năm 2017, Sở Cảnh sát thành phố Los Angeles phải bồi thường 5,5 triệu USD vì cảnh sát viên của cơ quan này đã dùng vũ lực quá mức khi đánh đập, xịt hơi cay và giật điện nghi phạm liên tiếp 6 lần, khiến nghi phạm lên cơn đau tim và tử vong.
Hiện, Mỹ chưa có quy định pháp lý thống nhất về cách sử dụng súng điện, chỉ một số ít tiểu bang (ví dụ như Connecticut) đã đưa ra luật điều chỉnh chung. Một số tòa liên bang Mỹ ra các phán quyết quy định chỉ sử dụng súng điện với những người thực sự hung hăng. Quy định sử dụng súng điện cụ thể tùy thuộc vào chính sách của các phòng cảnh sát địa phương.
Vào năm 2011, tổ chức Diễn đàn nghiên cứu điều hành cảnh sát Mỹ cùng với Bộ Tư pháp đã phối hợp và đưa ra đường lối sử dụng thiết bị khống chế bằng điện. Theo đó, súng điện không nên được dùng với phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ em, người rõ ràng có thể trạng yếu hoặc đã bị còng tay, cũng như không nên giật điện quá 15 giây với một đối tượng. Ngoài ra, trước khi sử dụng súng điện, cảnh sát viên cần cảnh báo, trừ phi tính mạng bị đe dọa... Cảnh sát không nên bắn vào những bộ phận yếu hại và cần cân nhắc địa hình xung quanh.
Dù xảy ra một số trường hợp tử vong, súng điện vẫn là "bạn đồng hành" của cảnh sát Mỹ.
Quốc Đạt (Theo Independent, Reuters, Police One)