Chiều 16/1, tại TAND thành phố Hoà Bình, bà Bùi Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã trả lời gần 50 câu hỏi về các vấn đề chuyên môn, quản lý ngành liên quan tới vụ án. Nhiều lúc, cả người hỏi và người trả lời đều cao giọng.
Tại sự cố chạy thận xảy ra ngày 29/5/2017 khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, bà Hằng cho biết với cương vị Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế, bà đã tổ chức họp ngay sau sự cố. Hội đồng nhận định sự cố không phải sốc phản vệ bởi triệu chứng đó chỉ xảy ra ở một vài cá thể. Việc chạy thận đúng quy trình. Nguyên nhân sự cố do ngộ độc, liên quan đến nguồn nước.
Đại diện Sở Y tế cho rằng Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã xử trí phù hợp, đúng diễn tiến của bệnh khi xảy ra sự cố.
"Theo bà, trong sự cố ngày 29/5, bác sĩ Hoàng Công Lương có sai sót về chuyên môn không?", luật sư Trần Hồng Phúc hỏi. Bà Hằng nói, Lương và các bác sĩ khác thực hiện phù hợp với diễn biến của bệnh nhân đang chạy thận lọc máu, không sai về quy trình. Còn các vấn đề khác, có đúng quy trình hay không còn phải phụ thuộc vào phân công của lãnh đạo bệnh viện.
"Khi bác sĩ ra y lệnh cho bệnh nhân, bác sĩ có phải biết máy móc có giấy tờ đảm bảo không?", luật sư Phúc đặt thêm câu hỏi. Bà Hằng cho hay bác sĩ điều trị chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh, chữa trị. Ngoài ra, điều dưỡng cũng phải kiểm tra nguồn nước, tuy nhiên triển khai như thế nào do bệnh viện phân công.
Đại diện Sở Y tế còn cho rằng không cần xét nghiệm nước sau khi sửa máy lọc nước chạy thận. Bà nói, đây là tiêu chuẩn của Mỹ. Việc xét nghiệm này cần 10 đến 14 ngày nên không bệnh viện nào có thể chờ được.
Tuy nhiên, khi luật sư hỏi quan điểm này là của Sở hay cá nhân, bà Hằng chỉ nói ý kiến này đã có sự tham vấn của chuyên gia, Bệnh viện Bạch Mai.
Sở Nội vụ trả lời trái ngược Sở Y tế tỉnh Hòa Bình
Một trong những vấn đề HĐXX hỏi nhiều nhất với đại diện Sở Y tế là việc cựu giám đốc Trương Quý Dương ra quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu chạy thận trong khoa hồi sức tích cực bệnh viện tỉnh Hòa Bình đúng hay sai quy định?.
Theo cáo trạng, tháng 12/2009, giám đốc Trương Quý Dương ký hợp đồng về việc liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn do Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc.
Tháng 3/2010, ông Dương ký quyết định thành lập đơn nguyên lọc máu trực thuộc khoa hồi sức tích cực. Từ năm 2010 đến 2014, ông Dương ký hợp đồng với Thiên Sơn nâng tổng số máy chạy thận nhân tạo lên 13.
Từ khi thành lập, đơn nguyên lọc máu không có kỹ sư, kỹ thuật viên và không ai được phân công nhiệm vụ để kiểm tra chất lượng nước, dịch lọc nước trong và sau khi lọc máu. Hàng ngày, để phục vụ chạy thận cho bệnh nhân, điều dưỡng viên nào của đơn nguyên đến trước sẽ vào phòng xử lý nước bật công tắc vận hành hệ thống RO. Sau khi bệnh nhân được thăm khám, bác sĩ sẽ ra y lệnh chạy lọc thận khi thấy chỉ số sinh tồn của họ đảm bảo đủ điều kiện.
Về việc này, theo bà Hằng là do căn cứ nhu cầu chạy thận của bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh nhân thời điểm đó rất vất vả khi xuống Bạch Mai điều trị.
Hơn nữa việc thành lập cũng phù hợp với quyết định của Bộ Y tế về đề án kỹ thuật. Đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình giải thích, Bệnh viện Bạch Mai (cơ quan tuyến trên của bệnh viện tỉnh Hòa Bình) căn cứ vào nhu cầu của bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã khảo sát, chuyển giao kỹ thuật cho cơ quan tuyến dưới của mình.
Bệnh viện Bạch Mai còn cử cán bộ lên hỗ trợ, giúp đỡ Bệnh viện tỉnh Hòa Bình ba tháng đầu sau khi đơn nguyên lọc máu thành lập. Căn cứ kết quả đào tạo tại bệnh viện Bạch Mai, điều kiện thực tế, bệnh viện đa khoa tỉnh hợp đồng với công ty Thiên Sơn cũng phù hợp với quy định của Bộ Y tế về liên danh, liên kết.
Bà Hằng khẳng định việc ra quyết định thành lập đơn nguyên trên của cựu giám đốc Trương Quý Dương vào thời điểm đó là đúng quy định, thẩm quyền. Việc thành lập này không cần báo cáo Sở Y tế xin ý kiến vì chỉ khi thành lập khoa mới áp dụng thủ tục này. Đơn nguyên chạy thận chỉ là một bộ phận trong khoa.
Bà Hằng còn cho hay thêm, không có quy định nào cấm thành lập bộ phận trong khoa.
Trong khi đó, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh dẫn công văn trả lời của Sở Nội Vụ tháng 8/2018 cùng nội dung. Theo công văn này, về pháp luật không có quy định nào cho phép thành lập bộ phận như vậy, việc thành lập không đúng quy định. "Bà nghĩ sao?", thẩm phán hỏi đại diện cơ quan y tế tỉnh. Bà Hằng lý giải, Sở Y tế đã dựa trên điều kiện thực tế, quy chế y tế năm 1997, phân công nhiệm vụ, được tổ chức bộ phận phù hợp với công việc.
"Tòa cho rằng giữa cơ quan y tế và cơ quan quản lý con người là Sở Nội vụ đang mâu thuẫn. Theo bà cái nào có căn cứ?", chủ tọa hỏi.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho rằng, mỗi ngành có đặc thù riêng. Trong quy định pháp luật hiện hành cũng có những quy định riêng. Tại thời điểm thành lập đơn nguyên chạy thận nêu trên, bệnh viện tỉnh Hòa Bình hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện.
"Trong giai đoạn từ khi thành lập đơn nguyên chạy thận nhân tạo đến khi xảy ra sự cố, Sở Y tế đã thực hiện bao nhiêu cuộc thanh tra với bệnh viện tỉnh Hòa Bình, đặc biệt với khoa hồi sức tích cực và phòng vật tư?", một câu hỏi khác của HĐXX đặt ra với đại diện Sở Y tế. Bà Hằng cho hay, một năm theo định kỳ thường xuyên là hai lần và có thể đột xuất; còn công tác thanh tra hàng năm cũng thực hiện theo quy định.
Về thanh tra liên quan đến chạy thận, Sở đã thực hiện một lần vào năm 2014 và có kết luận. Tuy nhiên, theo tòa, kết luận này không cụ thể và đề nghị đại diện cơ quan trên cung cấp thêm nếu có văn bản chi tiết.
VKS cho rằng từ 2014 đến nay đơn nguyên chạy thận bệnh viện Hòa Bình không đủ nhân sự làm việc. "Bà có thấy trách nhiệm của Sở Y tế không?", nữ Kiểm sát viên hỏi. Đại diện Sở cho rằng bản thân cơ quan này không thể đi bố trí được mà là sự đào tạo, bố trí của bệnh viện Hòa Bình.
Đại diện Sở còn cho hay hầu hết các bệnh viện khắp Việt Nam đều thiếu các chức danh nhân sự. Từ cách đây hai năm, bệnh viện tự tuyển dụng, Sở Nội vụ thẩm định, Sở Y tế chỉ theo dõi.
Ngày mai phiên tòa tiếp tục làm việc vào 8h.
Phạm Dự - Bảo Hà