Ngày 29/7/1976, khi đang tán gẫu trong ôtô ở vùng vịnh Pelham của quận Bronx, New York, Mỹ, Donna Lauria và Jody Valenti không may trở thành hai nữ nạn nhân đầu tiên của tên giết người hàng loạt. Lauria bị bắn chết khi vừa mở cửa xe, còn Valenti bị đạn găm trúng đùi. Sau khi bắn thêm viên đạn thứ ba nhưng trượt, kẻ gây án bỏ đi.
Theo mô tả của Valenti, kẻ sát nhân tầm tuổi 30, da trắng, cao khoảng 1m75 và nặng tầm 73kg, mái tóc xoăn ngắn tối màu.
Gần ba tháng sau, ngày 23/10/1976, một vụ xả súng tương tự xảy ra tại vùng dân cư hẻo lánh gần một công viên thuộc quận Queens, New York. Carl Denaro (20 tuổi) và Rosemary Keenan (18 tuổi) đang ngồi trong ôtô bị một phen khiếp sợ khi cửa kính xe bỗng nhiên bị bắn vỡ vụn. May mắn thay, họ kịp thời đánh xe chạy thoát. Rosemary Keenan chỉ bị thương nhẹ, Denaro bị đạn bắn trúng đầu khiến phải lắp một tấm kim loại để thay thế một phần xương sọ.
Cảnh sát tìm được cỡ đạn 44 li mắc ở ôtô, nhưng không thể lần ra manh mối gì vì viên đạn đã bị biến dạng quá mức. Cũng giống như trước, cảnh sát không tìm được động cơ của vụ xả súng. Nhiều chi tiết trong vụ việc Denaro - Keenan rất giống với vụ việc Lauria - Valenti, nhưng ở thời điểm đó cảnh sát không nhận thấy hai vụ việc có liên quan, một phần cũng vì địa điểm gây án thuộc hai quận khác nhau và được điều tra bởi hai cơ quan cảnh sát khác nhau.
Ngày 27/11/1976, khi đang trên đường đi về nhà từ rạp phim, cặp đôi Donna DeMasi và Joanne Lomino gặp một người chừng 20 tuổi, mặc quân phục hỏi đường. Câu hỏi chưa dứt, kẻ này đã rút súng bắn hai nạn nhân. Nghe thấy tiếng súng, người dân xung quanh chạy ra nghe ngóng thì nhìn thấy một người đàn ông tóc vàng, tay trái cầm súng chạy vọt qua.
Donna DeMasi bị bắn sượt cổ nhưng vô sự, còn cô gái, bị bắn vào lưng và liệt thân dưới.
Vào 0h40 ngày 20/1/1977, khi đang ngồi trong ôtô, Christine Freund và chồng chưa cưới John Diel bị bắn ba phát đạn. John Diel chỉ bị thương nhẹ, nhưng vợ chưa cưới của anh bị trúng hai phát đạn và tử vong chỉ vài tiếng sau đó ở bệnh viện.
Cảnh sát lúc này mới ra thông cáo đầu tiên tuyên bố vụ xả súng Freund–Diel có nhiều tình tiết tương tự với những vụ việc trước đó và chúng có thể liên quan với nhau. Trung sĩ cảnh sát Richard Conlon thuộc Cục cảnh sát New York (NYPD) cho biết: “Mọi nạn nhân đều bị bắn bằng cỡ đạn 44 li, và kẻ gây án dường như đều chọn đối tượng là phụ nữ trẻ có mái tóc dài tối màu. Có thể có hơn hai nghi phạm”.
Phát ngôn của cảnh sát đã khiến phụ nữ khắp New York náo loạn, họ đổ xô đi cắt tóc ngắn hoặc nhuộm tóc sáng màu. Một số cửa hàng cung cấp sản phẩm làm đẹp còn rơi vào tình trạng khan hiếm tóc giả.
Hai lá thư khiêu khích cảnh sát
Theo Nytimes, lý do khiến hung thủ lẩn tránh được cảnh sát cũng có thể vì nhiều phương thức truy lùng tội phạm truyền thống đã phản tác dụng. Thứ nhất, phác thảo nhân dạng được dựa trên lời khai của nhân chứng không đủ độ tin cậy. Thứ hai, dường như không có một quy luật rõ ràng nào trong những vụ giết người, có vẻ là ngẫu nhiên.
Hai vụ xả súng nữa xảy ra, thêm ba nạn nhân nữa tử vong, nhưng cảnh sát vẫn chưa có thêm được manh mối, ngoại trừ một bức thư viết tay mà cảnh sát cho rằng hung thủ cố ý bỏ lại cạnh xác hai nạn nhân gần nhất. Lá thư được viết chủ yếu bằng chữ in hoa và được gửi tới đích thân Đội trưởng NYPD là Joseph Borrelli. Trong thư, hung thủ lần đầu tiên tiết lộ cái tên “Con trai của Sam”, trong khi báo giới trước đó đặt biệt hiệu cho kẻ sát nhân là “Tên giết người 44 li”, dựa trên hung khí hắn thường dùng.
Nội dung thư thể hiện quyết tâm phạm tội của tên sát nhân, đồng thời chế nhạo cảnh sát vì thất bại trong việc lùng bắt.
Sau khi phân tích bức thư, cảnh sát nhận định người viết thư ắt hẳn quen thuộc với tiếng Anh phương ngữ Scotland vì trong thư có chứa những câu nói được phiên âm theo biến thể giọng Scotland. Ngoài ra, cảnh sát còn đặt giả thuyết rằng kẻ giết người đổ lỗi cho một nữ y tá tóc tối màu trước cái chết của cha hắn, vì trong thư có câu “quá nhiều cơn đau tim”, kèm việc hai nạn nhân đầu một người là chuyên viên y tế, một người đang theo học y tá.
Ngày 30/5/1977, một kẻ tự xưng là xạ thủ 44 li gửi một bức thư tay tới cho nhà báo Jimmy Breslin của tờ Daily News. Mặt sau lá thư, trên bốn dòng kẻ cân đối là những chữ được in tay đều đặn: Máu và Gia đình - Bóng tối và Cái chết - Suy tàn Tuyệt đối - .44.
Dưới dòng tên người gửi là một logo là kết hợp của nhiều biểu tượng. Trong thư, người viết đặt câu hỏi “Ngày 29/7 sẽ có gì?”.
Nhiều người cho rằng đây là một lời đe dọa vì 29/7/1977 sẽ là tròn một năm kể từ vụ xả súng đầu tiên. Cho rằng lời lẽ và cách trình bày của bức thư thứ hai phức tạp khác hẳn với lá thư thô sơ ban đầu, cảnh sát nhận định có thể nó đã được tạo ra trong một studio nghệ thuật hoặc các địa điểm chuyên nghiệp khác, và bởi một người có chuyên môn trong in ấn, thư pháp hoặc thiết kế đồ họa. Nhưng tất cả những nhận định trên đều không đưa tới một manh mối khả thi nào.
Sa lưới vì chiếc vé phạt đỗ xe
Vào một tối xảy ra vụ xả súng, khi đang dắt chó đi dạo, bà Cacilia Davis sống ở Brooklyn trông thấy cảnh sát ghi vé phạt một chiếc ôtô đỗ gần đó. Bà thấy một người đàn ông nhìn mình với thái độ cảnh giác, tay cầm "vật đen thui" rồi đi vào chiếc xe vừa bị ghi vé phạt.
Davis về nhà và chỉ một lúc sau đó nghe thấy tiếng súng nổ. Vài ngày sau vụ xả súng, bà báo cảnh sát về việc này. Cảnh sát sau đó đã kiểm tra biên bản ghi vé phạt và thấy nghi vấn khi một trong những chiếc ôtô bị phạt được đăng ký chính chủ ở quận Yonkers (cách 40km) lại xuất hiện ở đây vào lúc 2h sáng.
Cảnh sát xác định chiếc ôtô đó lại chính là phương tiện mà hung thủ dùng để tẩu thoát, không cả dùng biển số giả. Bí mật khám xét chiếc xe bị tình nghi, cảnh sát tìm thấy túi chứa đạn, bản đồ nơi gây án và một bức thư đe dọa gửi tới Thanh tra Timothy Dowd của Đội Điều tra Omega.
Ngày 10/8/1977, cảnh sát bắt được David Berkowitz - chủ xe sống tại quận Yonkers,
Chỉ 30 phút sau khi bị thẩm vấn, David Berkowitz đã nhận là thủ phạm các vụ nổ súng trên, khai vì "nghe theo lời con quỷ đội lốt Harvey - tên chú chó của người hàng xóm Sam”. Hắn lấy biệt danh "Con trai của Sam" trong mỗi lần gây án.
David Berkowitz bị tuyên phạm tội giết người cấp độ II và phải lĩnh án 25 năm tù cho mỗi vụ, tổng cộng 150 năm tù. Sau 25 năm ở tù, năm 2002, hắn được quyền xin ân xá để ra tù nhưng từ chối.