Chiều 7/12, phiên xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Bắc Nam 79), ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB) và 24 bị cáo tiếp tục phần tranh luận.
Tự bào chữa, Vũ khẳng định: "Bị cáo hoàn toàn không phạm tội. Bị cáo hứa trả 203 tỷ đồng và 13,4 triệu USD cho anh Bình bởi đây là quan hệ dân sự, không phải chiếm đoạt của DAB".
Vũ cho biết được ông Bình mời mua 10% cổ phần của DAB, đã báo cáo và xin ý kiến HĐQT. Thời điểm đó Vũ đã nói thẳng với ông Bình là không hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng cũng như không có sẵn tiền mặt.
Về lý do viết và ký giấy nộp tiền kiêm bảng kê theo sự hướng dẫn của Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB), Vũ giải thích "người đi vay chỉ biết số tiền mà mình cần vay, còn chủng loại tiền thì chỉ có người cho vay biết".
Vũ cho biết nộp 200 tỷ đồng vào tài khoản Bắc Nam 79 nhưng cáo trạng lại thể hiện nộp vào tài khoản DAB. Trình ra hóa đơn, Vũ nói: "Chữ viết chữ ký là hoàn toàn của bị cáo. Bị cáo hoàn toàn không nộp khống 200 tỷ vào tài khoản DAB. Bị cáo không biết VKS lộn hay cố tình lập lờ".
"Bị cáo mong có ngày đứng trước HĐXX để nói lên sự thật. Tất cả sự việc bị cáo hoàn toàn làm đúng, khi bị khởi tố bị cáo rất bất ngờ. Bị cáo nói có chứng cứ chứ không phải không có. Bị cáo không nộp khống 200 tỷ, không chiếm đoạt của DAB một đồng nào", giọng Vũ rành rọt.
Cựu Chủ tịch Công ty Bắc Nam 79 cũng cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Vũ nhiều lần đề nghị được đối chất với ông Bình nhưng bị từ chối. Sau khi làm đơn gửi Bộ Công an, bị cáo được đối chất nhưng lại không được đọc biên bản mà bị bắt ký tên vào.
Vũ còn cho rằng VKS và cơ quan cảnh sát điều tra có dấu hiệu thông cung, ép cung. Ông này chỉ ra lời khai của ông Bình và Vinh giống nhau hoàn toàn. Trước khi dứt lời, Vũ nhấn mạnh: "Bị cáo chỉ là nạn nhân".
Đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội với Vũ
Bào chữa cho Vũ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch chỉ ra căn cứ cho thấy sự quyết tâm và chủ động từ phía ông Bình, muốn Bắc Nam 79 trở thành cổ đông của DAB. Để đảm bảo việc tăng vốn thành công, có tiền xử lý khó khăn của DAB nên ngày 17/1/2014, ông Bình đã gọi điện mời ông Vũ đến phòng làm việc của mình với nội dung: "Anh đang có sẵn ở đây 200 tỷ, tiền anh chuẩn bị xong rồi".
Luật sư cũng chỉ ra lời khai của nguyên Tổng giám đốc DAB thể hiện "không bàn bạc và nói rõ nguồn gốc 200 tỷ đồng mua cổ phần với Vũ".
Luật sư đề nghị HĐXX ghi nhận nỗ lực của thân chủ khi hoàn thành khoản vay và lãi hơn 203 tỷ đồng cho ông Bình. Cũng như việc Vũ hứa trả lại 13,4 triệu USD trong vòng 30 ngày sau khi phiên xử kết thúc.
Đối với hơn 90 tỷ đồng mua cổ phần của DAB, luật sư đánh giá đây là hoạt động mua bán giữa thân chủ và Công ty An Bình. Do vậy, khi có yêu cầu của Công ty An Bình, Vũ sẽ thanh toán.
Đánh giá cơ quan điều tra chưa xem xét vụ án khách quan, luật sư Trạch đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với Vũ; giải toả kê biên 50 triệu cổ phần đứng tên Công ty Bắc Nam 79; 13,6 triệu cổ phần DAB của Vũ; 447,9 m2 đất tại đường Trần Quốc Toản, phường Hải Châu 1 (Đà Nẵng).
1.160 tỷ đồng chi lãi ngoài được kiến nghị thu hồi
Tham gia tranh luận, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Bình) đề nghị HĐXX không xem 1.160 tỷ đồng xuất quỹ chi sai nguyên tắc là thiệt hại của vụ án, bởi vẫn nằm ở DAB dạng cổ phần. Tương tự, luật sư cho rằng ông Bình cũng không phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 497 tỷ đồng mua 13,9 triệu USD do Vũ đã thừa nhận trách nhiệm dân sự.
Theo luật sư Hoài, quá trình điều tra và xét hỏi tại tòa đã xác định số tiền chi lãi suất ngoài gồm 650 lượng vàng và hơn 437 tỷ đồng là khoản tiền khách hàng thụ hưởng không hợp pháp. Từ đó, ông kiến nghị cơ quan điều tra xem xét và có biện pháp thu hồi nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Về việc ông Bình bị cáo buộc "chỉ đạo xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại hơn 611 tỷ đồng", luật sư đề nghị HĐXX đánh giá việc DAB hợp tác với Công ty Tân Vạn Hưng kinh doanh vàng là hợp pháp. "Việc thua lỗ trong xuất khẩu vàng là biện pháp tình thế, pháp luật không cấm, cần được đánh giá thêm về hậu quả đối với hành vi của ông Bình", luật sư Hoài nêu quan điểm.
Đối với thiệt hại 384 tỷ đồng từ việc kinh doanh ngoại hối trái phép, luật sư Hoài đề nghị HĐXX ghi nhận hành vi này từ thời điểm 10/12/2008 đến khi xảy ra vụ án là hợp pháp do được NHNN cấp phép. Theo luật sư, việc thua lỗ có thật, nhưng là rủi ro trong kinh doanh, không phải xuất phát từ hành vi phạm tội của ông Bình.
Theo cáo trạng, ngoài việc chiếm đoạt hơn 2.057 tỷ đồng của DAB, ông Bình còn cho xuất quỹ sai nguyên tắc 470 tỷ đồng để chi lãi huy động vốn; kinh doanh gần 385 tỷ ngoại hối; hơn 610 lượng vàng tài khoản; hơn 53 tỷ trong việc tất toán khống 1.900 cây vàng cho bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (nguyên cán bộ Công an TP HCM)... khiến DAB thiệt hại thêm 1.551 tỷ đồng.
Hiện, ông Bình khắc phục 4 tỷ đồng, Vũ Nhôm khắc phục 203 tỷ... Nhà chức trách cũng kê biên hơn 125 triệu cổ phần DAB (24,88% vốn điều lệ) của ông Bình, bà Xuyến, Phan Văn Anh Vũ, Công ty Bắc Nam 79 và 18 cá nhân.
Ông Bình bị đề nghị mức án chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng mức hình phạt là chung thân.
Vũ Nhôm bị đề nghị 15-17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tổng hợp với mức án 8 năm tù của TAND Cấp cao tại Hà Nội là 23-25 năm.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DAB), các bị cáo còn lại án 2 năm tù treo đến 18 năm tù.
Kỳ Hoa