Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Chủ tịch AVG đã đưa hối lộ 3 triệu USD (gần 66,5 tỷ đồng) cho cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; 2,5 triệu USD (gần 57 tỷ đồng) cho cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà; 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng) cho cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải và 200.000 USD (gần 4,5 tỷ đồng) cho cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Hành vi của ông Vũ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt 12-20 năm tù. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đề nghị "áp dụng chính sách hình sự đặc biệt" phù hợp khi truy tố, xét xử vì cho rằng bị can thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác để làm rõ vụ án, đóng góp nhiều cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các hoạt động an sinh xã hội...
Ông Vũ được ghi nhận đã chủ động hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận gần 8.900 tỷ đồng (tính cả lãi và các chi phí khác), góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước.
"Chính sách hình sự đặc biệt" còn được cơ quan điều tra đề nghị áp dụng với cựu bộ trưởng Tuấn, ông Trà cùng Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Phan Thị Mai Hoa (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc MobiFone).
Hai người còn lại trong vụ án là ông Son và Võ Văn Mạnh (cựu giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) chỉ được đề nghị "xem xét các tình tiết giảm nhẹ".
Ông Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) giải thích với việc đề nghị áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt", 12 bị can có thể được áp dụng mức phạt dưới khung truy tố - khác biệt hẳn với đề nghị thông thường là "xem xét giảm nhẹ hình phạt".
Chẳng hạn, ông Vũ nhiều khả năng không bị xem xét mức phạt ở khoản 4 (12-20 năm tù) của tội Đưa hối lộ mà chuyển xuống khoản 1 (6 tháng đến 3 năm) hoặc khoản 2 (2-7 năm)... Cơ quan điều tra có thể đã ghi nhận sự thành khẩn của bị can Vũ bởi nếu không có sự hợp tác này, hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn của các quan chức mãi mãi sẽ là "mảng tối" không thể bị phát giác.
Theo kết luận điều tra, bị can Vũ khai biết ông Son, Tuấn, Trà, Hải là những người có chức vụ quyền hạn, có vai trò quyết định để trong dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG nên đã đưa tiền hối lộ sau khi ký kết hợp đồng, dù trong quá trình giao dịch, đàm phán không "hứa hẹn đưa tiền".
Về việc thu hồi tài sản, Cơ quan điều tra hiện nhận gần 66 tỷ đồng trong đó ông Lê Nam Trà nộp 54 tỷ đồng, ông Cao Duy Hải nộp 11,6 tỷ đồng...; kê biên hai lô nhà đất đứng tên vợ chồng ông Son và Tuấn tại phố Lý Nam Đế và ngõ Quan Thổ ở Hà Nội. Cơ quan điều tra còn phong tỏa tài khoản có số dư gần 600 triệu đồng của ông Son, tài khoản hơn 2,1 tỷ đồng của ông Tuấn cùng hai tài khoản gần 1,8 tỷ đồng của ông Lê Nam Trà.
Tổng công ty Viễn thông Mobifone thành lập ngày 1/12/2014 theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng.
AVG thành lập tháng 8/2008, vốn điều lệ 300 tỷ đồng, kinh doanh trong bốn lĩnh vực gồm: kinh doanh đầu thu và phụ kiện; dịch vụ cước thuê bao, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ truyền dẫn.
Ngày 25/12/2015, chủ tịch Lê Nam Trà ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng. Tính đến 15/1/2016, MobiFone thanh toán hơn 8.400 tỷ đồng, tương đương 95% giá trị chuyển nhượng. Việc mua bán này được xác định gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.500 tỷ đồng.