Trong cáo trạng tống đạt ngày 19/10, VKSND Tối cao nhận định trước khi MobiFone mua cổ phần của AVG, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn qua việc kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, vay nợ lớn. Để nâng cao giá trị trong đàm phán giá bán với MobiFone, ông Vũ đưa thông tin AVG đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu USD và đã nhận tiền cọc 10 triệu USD. Khi điều tra vụ án, cơ quan điều tra kết luận thông tin trên "không có căn cứ".
Tại cơ quan điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ thừa nhận, "thỏa thuận bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là Công ty 8206 Hồng Kông và nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD" chỉ là dự kiến, không có tài liệu chứng minh.
Ông Vũ khai, biết các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (lần lượt là hai bộ trưởng của Bộ Thông tin Truyền thông), Lê Nam Trà (chủ tịch MobiFone), Cao Duy Hải (tổng giám đốc MobiFone) là những người có chức vụ, có quyền hạn nhất định trong việc mua bán cổ phần của AVG nên tìm cách tác động. Ông Vũ gọi cho ông Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG. Ngược lại, ông Son gọi cho cựu chủ tịch AVG tổng cộng 126 cuộc điện thoại và 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ và thúc đẩy dự án sớm hoàn thành.
Cũng với mục đích này, ông Vũ còn gọi điện cho ông Trương Minh Tuấn, ông Lê Nam Trà và Cao Duy Hải - những người có vai trò trực tiếp quyết định khác.
Cáo trạng xác định, "với sự quyết liệt, tích cực" của Nguyễn Bắc Son và các bị can, ông Vũ đã bán được 95% cổ phần của AVG cho MobiFone với giá 8.900 tỷ đồng, cao hơn 6.500 tỷ đồng so với giá trị thật. Khoản tiền này đã mang lại lợi ích cho ông Vũ và các cổ đông AVG.
Trong quá trình thực hiện dự án và sau khi MobiFone thanh toán tiền, ông Vũ đã đưa hối lộ 3 triệu USD (gần 65 tỷ đồng) cho ông Son, đưa 2,5 triệu USD (gần 56 tỷ đồng) cho ông Lê Nam Trà, đưa 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng) cho ông Cao Duy Hải và đưa 200.000 USD (hơn 4,45 tỷ đồng) cho ông Trương Minh Tuấn.
Đối chất việc này, 4 bị can thừa nhận biết rõ việc Vũ đưa tiền là do mình đã chỉ đạo, quyết định việc MobiFone mua cổ phần của AVG. Ngoài ra, ông Tuấn còn khai thực hiện các sai phạm trên dưới sự chỉ đạo của ông Son vì "được hứa hẹn tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông".
Ông Son khai "đáp ứng mong muốn" của cả hai, cựu chủ tịch AVG đã đến nhà riêng của Nguyễn Bắc Son tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế, Hà Nội và đưa 3 triệu USD. Ông Son mang tiền lên phòng làm việc tại tầng hai và xếp đầy vào một chiếc va li loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite, xếp đầy một ba lô tối màu; số còn lại cho vào một chiếc vali du lịch loại to màu trắng. Ông sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.
Toàn bộ số tiền, ông Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền, dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy. Quá trình điều tra, ông Nguyễn Bắc Son nhận thức rõ nếu không phải là Bộ trưởng, người có vai trò quyết định trong việc triển khai thực hiện dự án để Mobifone mua 95% cổ phần của AVG thì sẽ không được Phạm Nhật Vũ đưa số tiền 3 triệu USD.
Hiện, các bị can Trà, Hải, Tuấn đã tác động gia đình hoặc tự nộp lại số tiền đã chiếm đoạt. "Riêng bị can Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền", cáo trạng nêu. Vì thế, VKS chỉ đề nghị toà áp dụng triệt để căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.
Theo VKSND Tối cao, ông Vũ dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của MobiFone nhưng đã tích cực khắc phục toàn bộ gồm 8.445 tỷ đồng tiền chuyển nhượng cổ phần và gần 330 tỷ đồng lãi phát sinh chi phí liên quan.
Ông Vũ được VKSND Tối cao ghi nhận đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu, có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú. Ông hợp tác với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Ông Vũ được Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa, giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội... Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam một số tỉnh, thành cũng có đơn đề nghị xem xét cho bị can Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Trong Kết luận điều tra, ông Vũ được đề nghị "áp dụng chính sách hình sự đặc biệt" để giảm nhẹ hình phạt, còn trong cáo trạng, VKSND Tối cao đã không nêu về việc này song ghi nhận ông Vũ có "những tình tiết giảm nhẹ đáng kể". VKSND Tối cao đề nghị toà án khi xét xử cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 để quyết định mức hình phạt cho ông Vũ.
Theo cáo trạng do VKSND Tối cao tống đạt ngày 19/10, ông Cao Duy Hải, ông Lê Nam Trà cũng bị truy tố về tội Nhận hối lộ theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo buộc là người Đưa hối lộ, ông Phạm Nhật Vũ đối mặt hình phạt 12-20 năm tù, theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
Ở tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù, ông Son, Tuấn, Hải, Trà tiếp tục bị truy tố cùng 8 bị can Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Hồ Tuấn (phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (phó tổng giám đốc MobiFone phụ trách), Nguyễn Bảo Long (phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (phó tổng giám đốc MobiFone) cùng Phan Thị Hoa Mai (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Võ Văn Mạnh (giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX).