Sáng 30/12, phiên xử ông Nguyễn Hữu Tín (62 tuổi) và 4 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo.
Là người đầu tiên được gọi tên, ông Tín dành 6 phút trình bày với HĐXX bằng giọng chậm, rành rọt. Ông đồng ý với quan điểm của các luật sư bảo vệ mình, thừa nhận đã làm sai quy định khi cho phép Công ty CPXD Bắc Nam 79 (Vũ "Nhôm" làm Chủ tịch HĐQT) thuê nhà đất số 15 Thi Sách, quận 1. "Bị cáo không đổ lỗi cho cấp trên, không đổ lỗi cho những tham mưu từ các bộ, sở, ban ngành. Bị cáo xin chịu mọi trách nhiệm với vai trò lãnh đạo của TP HCM vào thời điểm vụ án xảy ra", cựu phó chủ tịch nói.
Bày tỏ mong muốn được xem xét "chứ không nhằm biện minh", ông Tín nhắc lại một số nội dung về nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến hành vi sai phạm của mình. Khi nhận được các văn bản của Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch, tham mưu của các sở, ban ngành... ông thấy phù hợp vì: mục đích chuyển đổi nhà đất 15 Thi Sách nhằm phục vụ an ninh quốc phòng; chỉ thị của Thủ tướng nói các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, đất đai để Cục tình báo hoạt động.
"Bị cáo nhận thức đây là việc chuyển giao đất giữa các cơ quan Nhà nước (từ Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch sang Bộ Công an) thì Nhà nước không bị thiệt hại. Thời gian trong trại giam bị cáo lúc nào cũng trăn trở là, chỉ vì lợi ích an ninh quốc gia lại gây thiệt hại cho quốc gia", ông Tín chực khóc.
Ngừng một lúc, ông nói: "Bị cáo rất hối hận. Bị cáo rất thấm thía lời kiểm sát viên trước đó là 'cho dù hỗ trợ cho an ninh quốc phòng cũng phải làm đúng quy trình, cho dù là thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng cũng không thể trái với Luật đất đai'. Bị cáo không bao giờ ngờ việc làm của mình lại bị kẻ khác trục lợi gây thiệt hại cho Nhà nước".
Kết thúc phần tự bào chữa, ông Tín đề nghị HĐXX kiến nghị trung ương ban hành các quy chế hướng dẫn chi tiết, để những người sau này thi hành công vụ, tạo điều kiện cho ngành công an, không bị vướng sai phạm như mình. "Quá trình xử lý hệ thống các văn bản đều có độ chênh và khoảng trống. Những khoảng trống này tạo điều kiện cho kẻ khác lợi dụng để chiếm đoạt tài sản Nhà nước", ông nói.
Tương tự, các bị cáo Trương Văn Út (nguyên Phó Phòng quản lý đất đai), Lê Văn Thanh (nguyên phó Chánh Văn phòng UBND TP HCM), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng đô thị UBND TP HCM) đồng quan điểm với luật sư bào chữa, đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh phạm tội để có mức hình phạt nhẹ nhất.
Trong khi đó, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt phản đối quan điểm của VKS cho là ông không thành khẩn.
"Thành khẩn không có nghĩa là phải nhận tội, mà là khai đầy đủ toàn bộ sự thật của vụ án. Mục đích vì an ninh quốc phòng là mục đích duy nhất và cuối cùng tôi nghĩ đến. Bị cáo không có chức năng, thẩm quyền quản lý, xử lý tài sản công, nên thấy không thỏa mãn khi bị cáo buộc tội này cũng như phải chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi khu đất sang thương mại dịch vụ", ông Kiệt nói và cho biết sẽ tuân thủ mọi phán xét của tòa, chỉ mong HĐXX có bản án thích hợp.
9h ngày mai, 31/12, tòa tuyên án.
Ông Tín bị cáo buộc biết rõ khu nhà đất 15 Thi Sách là tài sản Nhà nước, nhưng không báo cho Chủ tịch TP HCM Lê Hoàng Quân - Trưởng ban chỉ đạo 09, Sở Tài chính, tham mưu mà tự ý giao Sở Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn thủ tục cho Công ty Bắc Nam 79 thuê chỉ định. Hành vi của các bị cáo khiến Nhà nước thất thoát hơn 800 tỷ đồng.
VKS đề nghị tòa tuyên phạt ông Tín và Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường) cùng mức án 7-8 năm tù; 3 bị cáo khác 4-6 năm tù.
Hải Duyên