Cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) xác định là chủ mưu của nhóm 13 người phạm tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án sai phạm đầu tư công khi MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) nêu.
Theo lời khai của ông Son, động cơ dẫn đến các sai phạm là do ông mong muốn thực hiện dự án trước khi nghỉ hưu để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ làm bộ trưởng (năm 2011-2016) và biết sẽ được nhận "lợi ích vật chất" từ AVG. Việc ông Son chỉ đạo quyết liệt nhân viên dưới quyền làm trái quy định pháp luật để MobiFone mua bằng được cổ phần AVG đã khiến Nhà nước thiệt hại gần 6.500 tỷ đồng, bản kết luận điều tra nêu.
Ông quen Phạm Nhật Vũ (chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) từ trước nên khi MobiFone xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số, ông Son đã giới thiệu để mua AVG.
Ngày 6/2/2015, thực hiện yêu cầu của ông Son, ông Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ký văn bản thống nhất chủ trương đầu tư. MobiFone trình dự án mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng lên Bộ Thông tin và Truyền thông.
Do dự án thuộc nhóm A có quy mô trên 5.000 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng, ông Son ký văn bản trình Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo, ngày 2/10/2015, theo yêu cầu của ông Son, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo MobiFone và AVG để thống nhất giá. Sau cuộc họp trên, ông Son ký quyết định thành lập Tổ thẩm định dự án giao cho Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chỉ đạo. Giá trị AVG chưa đến 2.000 tỷ đồng song được định giá hơn 8.900 tỷ đồng.
Ngày 28/10/2015 khi Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng chấp thuận chủ trương, ông Son biết đó không phải quyết định phê duyệt chủ trương nhưng vẫn chỉ đạo Thứ trưởng Tuấn ký phê duyệt Dự án đầu tư truyền hình của MobiFone.
Theo đó, MobiFone đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp để mua 95% cổ phần AVG. Vốn đầu tư dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó mua 95% cổ phần của AVG là gần 8.898,3 tỷ đồng. Tiền mua được lấy từ vốn chủ sở hữu (30%), vay (70%).
Thực hiện chỉ đạo của ông Son, ngày 25/12/2015, ông Lê Nam Trà (Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) ký hợp đồng chuyển nhượng. Từ ngày 28/12/2015 đến 15/1/2016, MobiFone thanh toán cho AVG hơn 8.400 tỷ đồng.
Khi MobiFone mua xong cổ phần AVG, Phạm Nhật Vũ đã mang 3 triệu USD (gần 66,5 tỷ đồng) đến nhà ông Son, mang 200.000 USD (gần 4,5 tỷ đồng) đến phòng làm việc của ông Trương Minh Tuấn (lúc này làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông). Ông Vũ cũng chuyển 2,5 triệu USD (gần 57 tỷ đồng) cho ông Lê Nam Trà và 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng) cho ông Cao Duy Hải (thành viên HĐTV, cựu tổng giám đốc MobiFone).
Cơ quan điều tra cho rằng ông Tuấn, Trọng, Trà biết việc thực hiện dự án phải tuân theo quy định pháp luật nhưng bị động, phải thực hiện theo chỉ đạo của ông Son.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố ông Son, Tuấn, Trà, Hải về hai tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220, Bộ luật Hình sự 2015) và Nhận hối lộ (điều 354, Bộ luật Hình sự 2015).
Bị can Phạm Nhật Vũ bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ, theo điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.
9 bị can còn lại gồm: Phạm Đình Trọng, Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó tổng giám đốc phụ trách MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc MobiFone), Võ Văn Mạnh (cựu giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (nhân viên AMAX) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.