Sáng 17/1, TAND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo công bố thông tin liên quan đến số tiền bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Số tiền cuối cùng được hai bên thống nhất vào lần thương lượng thứ 7 hôm 12/1 là hơn 10 tỷ đồng.
"Do tôn trọng hai bên nên chúng tôi không thể tiết lộ số tiền cụ thể của các khoản bồi thường. Tuy nhiên, phần lớn là bồi thường trực tiếp cho ông Nén, chỉ một phần nhỏ cho người thân của ông. Số tiền này chúng tôi thấy đã hợp lý", ông Biện Văn Hoan, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, nói.
Ông Hoan cho biết, việc thương lượng kéo dài gần một năm do đây là vụ án oan đặc biệt. Ông Nén oan tới 2 vụ nên thiệt hại thực tế lớn hơn so với người khác. Quá trình thương lượng, có nhiều người được ủy quyền và số tiền đưa ra ban đầu 18 tỷ đồng, trong đó người không bị tù oan (tổn thất tinh thần người thân, chi phí kêu oan...) chiếm hơn 9 tỷ là "hết sức vô lý". Việc mỗi luật sư ở một tỉnh thành khác nhau nên việc liên lạc xếp lịch thương lượng cũng không dễ.
"Chúng tôi cũng mất hơn một tháng đi xác minh giấy tờ, giám định tâm thần, tổn thất sức khỏe cho ông Nén. Việc chờ đến lần thương lượng thứ 7 mới thành công là kết quả của một quá trình dài, khi cả hai bên hiểu nhau hơn. Dựa trên quy định pháp luật và thể hiện tinh thần trách nhiệm bồi thường của tòa, hai bên đã đạt được tiếng nói chung", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, số tiền trong 7 lần thương lượng không thống nhất, lúc cao lúc thấp, do có nhiều khoản luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện nay quy định chưa đầy đủ. Bản thân người oan sai yêu cầu bồi thường lại liên tục đưa ra các mức khác nhau. "Dựa trên quy định pháp luật, phù hợp với thực tế nên cuối cùng hai bên thống nhất số tiền trên", ông Hoan lý giải.
>> Video: Khi nào ông Nén nhận tiền?
Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, thương lượng đã kết thúc, nhưng kết quả này còn phải được Tòa tối cao thẩm định lại một lần nữa, sau đó sẽ trình Bộ Tài chính thẩm tra. Trong 10 ngày, Bộ Tài chính sẽ gửi tiền về cho TAND Bình Thuận trả oan sai.
Liên quan đến việc xử lý người gây oan sai cho ông Nén, ông Hoan cho biết Chủ tịch nước đã miễn nhiệm thẩm phán trung cấp đối với ông Nguyễn Thanh Tâm - chủ tọa phiên tòa xét xử ông Nén năm 2000. Đồng thời, ông Tâm cũng bị TAND Bình Thuận cách chức vụ Phó chánh án Tòa hình sự.
Luật sư Phạm Công Út - người đại diện pháp lý cho ông Huỳnh Văn Nén trong quá trình bồi thường oan sai - cho biết, ông Nén và người thân vui vẻ chấp nhận số tiền được bồi thường.
Sau 7 lần thương lượng, số tiền được TAND tỉnh Bình Thuận chấp nhận bồi thường cho ông Nén và gia đình liên tục thay đổi. Cao nhất là lần thứ 3 với 10,5 tỷ đồng nhưng ngay sau đó, tòa hạ mức bồi thường xuống còn 2,6 tỷ. Lần gần đây, mức 6,8 tỷ đồng cũng không được hai bên thống nhất.
Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan về tội Giết người. Tháng 4/1998, ông bị cho dùng đoạn dây thừng làm hung khí giết bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng. Hơn 2 năm sau TAND Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông án tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản; tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ bị cáo buộc giết bà Dương Thị Mỹ trong "kỳ án vườn điều" xảy ra 5 năm trước. Do không chứng minh được hành vi phạm tội, 12 năm sau cơ quan điều tra phải minh oan cho họ, bồi thường gần một tỷ đồng. Riêng ông Nén đang thi hành bản án chung thân nên không được giải quyết.
Cuối năm 2015, ông Nén được TAND Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Hồi tháng 4/2016, ông Nén nộp đơn yêu cầu TAND Bình Thuận bồi thường 18 tỷ đồng do bị kết án oan trong hai bản án.
Phước Tuấn - Tư Huynh