Chiều 9/5, trả lời câu hỏi "bị kết án 13 năm tù do phạm tội Cố ý làm trái, bị cáo thấy có oan, sai không?", ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đáp: "Tôi đề nghị xem xét lại tội danh và hình phạt. Tôi không nói oan, sai mà tôi nhận trách nhiệm vì thiếu trách nhiệm mà gây hậu quả nghiêm trọng".
Được hỏi phiên phúc thẩm này đưa ra chứng gì mới so với phiên sơ thẩm, ông Thăng cho rằng việc chỉ định Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là nhà thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là "đi đúng hướng phát triển nội lực doanh nghiệp trong nước", theo như nội dung phát biểu của một thành viên Chính phủ khi tham dự lễ khởi công.
Theo ông Thăng, chính PVPower khi làm chủ đầu tư dự án đã chọn PVC làm tổng thầu. Dự án khi được chuyển lên PVN thì lại được thẩm định một lần nữa. Vào tháng 10/2011, PVC hoàn toàn đủ năng lực tài chính kinh nghiệm làm tổng thầu, lại đang thực hiện tốt một số dự án, tiết kiệm được hàng trăm triệu USD cho ngân sách.
Tập đoàn có nhiều hệ thống thẩm định đánh giá năng lực của PVC. Những lần thẩm định đều khẳng định PVC có đủ căn cứ pháp lý để trở thành tổng thầu Nhiệt điện Thái Bình 2. "Tháng 8/2011, tôi đã chuyển công tác mà việc thẩm định còn diễn ra sau đó", ông Thăng nói.
"Khi được báo cáo về những cái sai của dự án, bị cáo có thấy trách nhiệm với dự án này không?", chủ tọa hỏi. Ông Thăng nói: "Tôi rất day dứt nên nhận trách nhiệm ở phiên sơ thẩm. Một lần nữa, tôi thấy mình có lỗi, xin HĐXX xem xét".
Ông Thăng sau đó "thừa nhận có tội nhưng không phải là tội như án sơ thẩm tuyên". "Tôi có thiếu trách nhiệm trong việc không kiểm tra đôn đốc kịp thời. Tôi không tư lợi, không bao giờ cố ý, không biết sai vẫn làm", ông nói và cho hay trong hàng trăm dự án PVC thực hiện cũng có cái làm không tốt, chẳng hạn với Nhiệt điện Thái Bình.
Cựu chủ tịch PVN nói không muốn kê khai thành tích trong hơn 30 năm công tác để tòa phúc thẩm xem xét lại phán quyết sơ thẩm buộc ông bồi thường dân sự 30 tỷ đồng. "Là người đứng đầu để xảy ra sai phạm, tôi day dứt lắm. Ngồi trong bốn bức tường, tôi thấy có lỗi nên không thể cầm bút viết ra những thành tích", ông Thăng trình bày.
Khi đại diện VKS cho rằng nếu có thể khắc phục hậu quả thì hình phạt sẽ được giảm nhẹ đáng kể, ông Thăng nói: "Nhà tôi chỉ có một căn hộ chung cư, bán cũng chỉ khắc phục được phần nhỏ. Nếu tòa xử đúng phần trách nhiệm của tôi thì tôi cùng gia đình cố gắng khắc phục".
Theo bản án sơ thẩm, trong các bị cáo tại vụ án này, ông Thăng là người được áp dụng ít tình tiết giảm nhẹ nhất. Ông không bị kê biên tài sản.
Triệu tập cựu chánh văn phòng PVN
Chiều 9/5, thư ký phiên phúc thẩm thông báo ông Hồ Công Kỳ (cựu chánh văn phòng PVN) có mặt tại tòa theo quyết định triệu tập vào ban sáng.
Chiều 8/5 khi trả lời thẩm vấn về một số văn bản liên quan trách nhiệm của các bị cáo, cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực cho hay giai đoạn 2010-2011, ông Kỳ làm Chánh văn phòng vì thế "xin tòa hỏi ông Kỳ".
Ông Kỳ cho biết hiện là Chủ tịch HĐTV PVPower. Ông làm Chánh văn phòng từ tháng 11/2010 đến 4/2013. Trước câu hỏi của chủ tọa "văn bản của các đơn vị trong tập đoàn gửi lên cho lãnh đạo PVN, ai là người xử lý?", ông Kỳ nói do Phó chánh văn phòng Khương Văn Đạt trực tiếp chuyển công văn đến từng lãnh đạo tập đoàn. "Vì thế những vấn đề cụ thể liên quan tới phân bố công văn thì hỏi anh Đạt", ông Kỳ trả lời.
Ông Khương Văn Đạt ngay lúc đó được gọi lên đối chất tiếp. Ông hiện vẫn là Phó chánh văn phòng PVN. Xác nhận lời khai của ông Kỳ, ông Đạt nói "văn bản tùy theo trường hợp cụ thể sẽ được chuyển tới các địa chỉ phù hợp".
Chủ tọa nói: "Ông Thực cho rằng một số công văn như 3492, 3769 (PVPower), 6841 (PVC) được gửi nhưng ông không nhận được. Vậy bây giờ có thể xác nhận được các văn bản này có gửi đến ông Thực không?". Nghe trả lời cần kiểm tra từ hệ thống dữ liệu máy của PVN, chủ tọa cho hay sẽ xem xét và yêu cầu Văn phòng PVN truy xuất các tài liệu để kiểm chứng ông Thực có nhận được không.
Ông Đạt cũng xác nhận bốn văn bản dùng làm căn cứ quy kết trách nhiệm ông Thực do tập đoàn trích xuất, copy từ hệ thống từ bản gốc chuyển cho luật sư của ông Thực.
Ông Đinh La Thăng: Các bị cáo đã đổ tội cho cấp trên
Về việc ông Vũ Huy Quang (cựu tổng giám đốc công ty PVPower) khai từng báo cáo "can gián" ông Thăng không ký Hợp đồng 33, ông Thăng khẳng định "không có nội dung này". "Chính các anh ấy là người ký hợp đồng, chọn thầu rồi giờ lại đổ cho lãnh đạo cấp trên. Tôi làm doanh nghiệp mấy chục năm nhưng chưa bao giờ ký hợp đồng nào thế cả. Tổng giám đốc doanh nghiệp là người ký", ông Thăng nói.
"Giữa bị cáo với ông Vũ Huy Quang có mâu thuẫn với nhau không?", chủ tọa hỏi, ông Thăng cho hay khi làm việc thì quyết liệt nhưng "hết giờ" thì anh em không có gì khúc mắc.
"Nhưng là chủ tịch thì cũng phải biết những hợp đồng đó thế nào chứ?", tòa tiếp tục hỏi dồn, ông Thăng nói Hội đồng Thành viên chỉ phê duyệt chuyển đổi chủ đầu tư, còn những việc sau đó thuộc về chủ đầu tư.
Theo bản án sơ thẩm tuyên tháng 1, PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng mức đầu tư sau thuế hơn 31.500 tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD. Dù chưa làm thủ tục chọn nhà thầu, nhưng ngày 18/6/2010, ông Đinh La Thăng đã ký Nghị quyết giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC (còn gọi là hợp đồng 33) Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng từ ngày 28/4/2011 đến ngày 12/7/2011, PVN đã làm các thủ tục chi tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, ông Thanh và cấp dưới tại PVC đã chỉ đạo sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án. Đến ngày 22/11/2017, nhà chức trách mới thu hồi được gần 1.100 tỷ đồng. Thiệt hại được xác định là hơn 119 tỷ đồng.