Với việc lần thứ hai bị bác kháng cáo trong cả hai vụ án, ông Thăng phải nhận hình phạt tổng cộng 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng, điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Một tháng trước, trong phiên tòa phúc thẩm vụ án cố ý làm trái khi triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng bị y án 13 năm tù.
Do Bộ luật Hình sự quy định hình phạt cao nhất khi tổng hợp bản án không quá 30 năm tù nên ông Thăng phải chỉ phải thi hành mức án tối đa này.
Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên mức phạt tù như phán quyết của tòa sơ thẩm với 5 bị cáo. Cụ thể, ông Vũ Khánh Trường (cựu thành viên HĐTV PVN) tiếp tục nhận án 5 năm tù, ông Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên HĐTV PVN: 22 tháng tù; ông Nguyễn Thanh Liêm (cựu thành viên HĐTV PVN): 20 tháng cải tạo không giam giữ; ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc PVN): 30 tháng tù, tổng hợp hình phạt chung của cả hai bản án là tử hình; ông Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng, kiêm trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN): 7 năm tù về tội cố ý làm trái, 16 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm, tổng hợp hình phạt 23 năm tù.
Riêng ông Phan Đình Đức (cựu thành viên HĐTV PVN) được HĐXX đổi tội danh sang Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với hình phạt cảnh cáo. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông này bị phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ do cố ý làm trái.
Cấp phúc thẩm kết luận các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm bị cấp sơ thẩm tuyên phạm tội theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999 là "đúng người, đúng tội, không oan". Khi tuyên án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất, vai trò, tăng nặng, giảm nhẹ với các bị cáo.
Với tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng, HĐXX phúc thẩm thấy không có cơ sở giảm án cho các bị cáo. Tuy nhiên, với ông Phan Đình Đức, cấp phúc thẩm quyết định thay đổi tội danh.
Đối với số tiền 20 tỷ đồng bị cáo Ninh Văn Quỳnh nhận được từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, HĐXX phúc thẩm nhận định số tiền này sẽ được trả cho bị cáo Sơn để khấu trừ vào khoản tiền 49 tỷ đồng bị quy kết về tội tham ô.
Về trách nhiệm dân sự, tòa phúc thẩm buộc ông Thăng bồi thường 600 tỷ đồng, Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ đồng, bị cáo Vũ Khánh Trường 40 tỉ đồng. Ông Nguyễn Xuân Sơn và các bị cáo còn lại bồi thường 15 tỷ đồng
Sau khi nghe tuyên án, ông Thăng gặp một nhóm người thân, bạn bè. Cựu chủ tịch PVN cười nói to trước khi lên xe về trại tạm giam.
Ông Đinh La Thăng vượt thẩm quyền khiến PVN mất 800 tỷ đồng
Bản án phúc thẩm xác định, PVN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Thủ tướng có quyền yêu cầu báo cáo thường xuyên, đột xuất với PVN. Bộ Tài chính có quyền giám sát các hoạt động tài chính. Chủ tịch HĐQT là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng về việc điều hành PVN. HĐQT không có quyền tự ký ban hành nghị quyết đầu tư vốn mà phải trình xin ý kiến Thủ tướng.
Trong việc góp vốn vào Oceanbank, Thủ tướng phải là người đầu tiên đề ra chủ trương và PVN góp vốn dựa trên cơ sở nghiên cứu hoạt động của ngân hàng này. Sau khi doanh nghiệp trình và Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương thì PVN mới được đầu tư.
"Vì vậy những quan điểm cho rằng Chủ tịch hoặc HĐQT được đề ra chủ trương góp vốn trước khi Thủ tướng quyết định đều không có cơ sở pháp lý", bản án nêu.
Theo tòa phúc thẩm, PVN được phép đầu tư không quá 20% vốn Oceanbank nhưng phải tự chịu trách nhiệm về hành vi góp vốn. Từ 10 đến 16/10/2008 không có tài liệu nào thể hiện Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho PVN góp 20% vốn vào Oceanbank như lời khai của ông Đinh La Thăng.
Hành vi ký thỏa thuận góp vốn của ông Thăng là không đúng quy định, vượt quá thẩm quyền. Thỏa thuận này là tiền đề để ký hợp đồng, nghị quyết góp 800 tỷ. "Có cơ sở cho thấy các thành viên HĐQT thống nhất việc góp vốn khi chưa có ý kiến của Thủ tướng là vi phạm về thẩm quyền.... 244 tỷ đồng tiền cổ tức do Oceanbank trả cho PVN mà các bị cáo đòi khấu trừ vào khoản thiệt hại 800 tỷ là không có cơ sở. Đây là tiền thu lời bất chính từ việc góp vốn 800 tỷ đồng trái luật", chủ tọa đọc bản án.
VKS cấp phúc thẩm buộc tội ông Thăng thế nào?
Vụ án phúc thẩm xét xử ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cùng sáu cựu thuộc cấp trong vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) được mở từ ngày 19/6 do các bị cáo kêu oan, xin giảm án cũng như xem xét lại tội danh, hình phạt, mức bồi thường dân sự...
Tại phiên phúc thẩm, VKS Cấp cao tại Hà Nội nhận định: Năm 2008-2011, ông Thăng đã ký thỏa thuận góp vốn với ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT Oceanbank) nhưng không thông qua HĐQT. Việc này trái với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT.
Trong lần góp vốn đầu tiên 400 tỷ đồng, VKS cấp phúc thẩm cho rằng ông Thăng chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn khi chưa biết tình hình, kết quả hoạt động của Oceanbank. Trong khi Bộ Tài chính đã yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của ngân hàng để tránh rủi ro trước khi quyết định đầu tư.
Với lần góp vốn thứ hai, 300 tỷ đồng, VKS nhận định ngày 31/5/2010 cựu thành viên HĐTV Vũ Khánh Trường theo ủy quyền của ông Thăng đã ký nghị quyết để PVN bổ sung vốn. Tuy nhiên đợt góp vốn này bị nhà chức trách cho là trái với tinh thần của Công văn chỉ đạo từ Phó Thủ tướng yêu cầu PVN rà soát tình hình triển khai thực hiện, cân đối vốn; trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank. Lần này, ông Thăng đồng ý để PVN ra nghị quyết chấp thuận bổ sung tăng vốn 300 tỷ đồng khi chưa được Thủ tướng phê duyệt. Trước khi ra nghị quyết góp vốn lần hai ông cũng không chỉ đạo PVN khảo sát, đánh giá lại hoạt động của Oceanbank.
Tại lần góp vốn thứ ba, VKS Cấp cao tại Hà Nội kết luận ngày 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực thi hành nhưng ông Đinh La Thăng vẫn chủ trương góp vốn lần ba trong tháng 5/2011. Số tiền 100 tỷ đồng góp vào để duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của PVN tại Oceanbank là 20% - song luật chỉ cho phép tỷ lệ này là 15% (một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng). Không chỉ vậy, các bị cáo còn không báo cáo Thủ tướng - trái với tinh thần công văn của Văn phòng Chính phủ.
Theo VKS Cấp cao, hậu quả của ba lần góp vốn trái luật nói trên làm PVN mất toàn bộ 800 tỷ đồng khi Oceanbank có nhiều sai phạm trong quản lý và bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng.
PVN bị Oceanbank lừa kinh doanh có lãi?
Đánh giá tổng thể ba lần góp vốn nói trên, VKS cho rằng bị cáo Thăng và đồng phạm làm trái ý kiến của Chính phủ có hệ thống. “Các bị cáo báo cáo Chính phủ chỉ mang tính thủ tục, hình thức. Khi thực hiện góp vốn, các bị cáo bàng quan với năng lực, thực trạng hoạt động kinh doanh của Oceanbank”, đại diện VKS nhấn mạnh.
Trước quan điểm này, ông Thăng nhiều lần khẳng định trong suốt năm 2009-2013 Oceanbank có chia cổ tức 244 tỷ đồng cho PVN nên việc đầu tư là đúng hướng, có lãi. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương cũng xếp Oceanbank là ngân hàng loại A.
Tuy nhiên VKS lập luận, theo kết luận của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận theo báo cáo của Oceanbank là ảo, lãi giả lỗ thật nên thực chất số tiền này chính là tiền gốc của các cổ đông góp vào Oceanbank. “Oceanbank trả số tiền trên cho các cổ đông (trong đó có PVN) là thủ đoạn để che đậy thua lỗ và để kêu gọi tiếp tục góp vốn”, VKS Cấp cao tại Hà Nội nhận định.
Ông Thăng: Bị cáo không có trách nhiệm về 800 tỷ đồng
Trình bày tại phiên phúc thẩm, ông Thăng nhiều lần nói rằng nguyên nhân PVN mất 800 tỷ đồng vốn góp vào Oceanbank do Chính phủ không cho phép thoái vốn; và hậu quả xảy ra sau khi ông đã chuyển công tác khác được bốn năm. Các luật sư của ông Thăng và như nhiều bị cáo khác đều đồng tình với quan điểm đó.
Đáp lại, VKS Cấp cao chỉ ra PVN thiệt hại 800 tỷ đồng là do đầu tư vào Oceanbank trong khi ngân hàng này hoạt động không hiệu quả, vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Và vi phạm của Oceanbank đã được chứng minh ở vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Do đó, VKS đánh giá "việc Oceanbank mất vốn tự chủ sở hữu chỉ là vấn đề thời gian". Chính phủ không cho phép PVN thoái vốn tại Oceanbank là do yếu tố khách quan và không phải nguyên nhân dẫn đến PVN thất thoát 800 tỷ đồng như ông Thăng nhìn nhận.
Trong suốt phần tranh luận, tới cả khi nói lời sau cùng ông Thăng khẳng định bản thân không phạm tội cố ý làm trái, không có trách nhiệm với 800 tỷ mà PVN bị mất. Ba luật sư bào chữa tại tòa cho ông Thăng đều đề nghị tuyên thân chủ không phạm tội, không phải chịu trách nhiệm dân sự như cấp sơ thẩm tuyên.
Ngoài ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc PVN) rút kháng cáo với hình phạt, mức bồi thường từ ngày khai mạc, năm bị cáo còn lại đều xin được giảm nhẹ án, miễn trách nhiệm dân sự. Khi nói lời sau cùng, tất cả đều bày tỏ nỗi ân hận, xin hưởng khoan hồng.
Trong vụ án PVN cố ý góp 800 tỷ đồng trái luật vào Oceanbank được Tòa Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, bảy bị cáo là cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí gồm các ông: Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT), Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc), Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng), Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Thắng (cựu thành viên HĐTV). Ông Thăng bị TAND Hà Nội tuyên 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN. Sáu người còn lại nhận các mức án từ 15 tháng cải tạo không giam giữ tới 7 năm tù về cùng tội danh. Riêng ông Ninh Văn Quỳnh thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn, án 16 năm tù. |