Tiếng chuông tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đổ hồi quen thuộc, chị Phan Thị Lan Hương nhanh chóng nhấc máy và lặng đi khi nghe thấy tiếng khóc của bé gái. Đợi chừng một phút cho bé bình tâm, chị mới gặng hỏi. Chắp nối từng câu nói đứt quãng ở đầu dây bên kia, chị lặng người khi hiểu bé vừa bị xâm hại.
Những cuộc điện thoại thế này với chị Hương không còn xa lạ trong 10 năm trực tổng đài, nhưng những năm gần đây ngày càng nhiều. Chị cùng các đồng nghiệp không ít lần vừa nghe vừa khóc vì những câu chuyện thương tâm.
Năm 2018, sau cuộc điện thoại cầu cứu của bà mẹ ở Bắc Ninh, Hương đã làm cầu nối giúp chị này điều trị tâm lý cho con gái 13 tuổi bị xâm hại tình dục.
Bà mẹ 35 tuổi cho biết, sẩm tối một ngày cuối tháng 8/2017, chị đưa con gái đến tiệm cắt tóc của người đàn ông ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Vội đến nhà máy chị rời đi, bảo con ở lại rồi tự về. Hơn 23h cùng ngày, bé gái đạp xe về nhà giữa trời mưa, ai hỏi cũng không trả lời.
Những ngày sau đó, đứa con lớp 7 của chị bỗng nhiên ít nói, cáu gắt và thường xuyên bỏ học. Hai tháng sau, chị gặng hỏi thì con nói bị chủ quán cưỡng bức. Đưa con gái đi khám ngay sau đó tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ, người mẹ trẻ bàng hoàng khi nhận tin "bé gái bị rách màng trinh".
Đơn trình báo được chị tức tốc gửi đến Công an huyện khi không chấp nhận nổi sự thật. Con gái chị tính tình hoạt bát, hay tham gia các hoạt động đoàn thể nay sống khép kín, không giao tiếp với người xung quanh.
Chị nhiều ngày bỏ dở công việc để về Hà Nội gửi đơn cầu cứu và dẫn con đến Cục bảo vệ trẻ em để điều trị tâm lý. Nhiều lúc chị thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc cho con gái dần quên quá khứ, ổn định cuộc sống. Nhưng khi nghĩ đến những đứa trẻ khác có nguy cơ trở thành nạn nhân giống con mình, chị lại quyết "đưa ra ánh sáng".
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) có hơn 10 người trực 24/24h. với nhiệm vụ nhận các cuộc gọi phản ánh, cầu cứu về bạo hành, xâm hại trẻ em sau đó phân loại, liên hệ với nhà chức trách địa phương để xử lý theo thẩm quyền. Trường hợp người gọi cần giúp đỡ, nhân viên sẽ tư vấn ngay qua điện thoại.
Trong 20 ngày đầu tháng 3, tổng đài đã tư vấn cho gần 2.500 trường hợp, riêng xâm hại tình dục trẻ em là 22 ca. Năm 2018, cơ quan này đã tư vấn hơn 27.400 ca liên quan trẻ em, trong đó 250 ca về xâm hại tình dục.
Số liệu của Bộ Công an cho thấy năm 2018, toàn quốc xảy ra trên 1.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó án xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82% với 1.230 người phạm tội. Địa phương có số ca trẻ em bị xâm hại nhiều nhất là Hà Nội, TP HCM, Đăc Lăk, Tây Ninh, Đồng Nai...
Làm gì khi con bị xâm hại tình dục?
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng song nhiều phụ huynh chưa ý thức được các nguy hiểm để có cách phòng tránh hiệu quả.
Nhiều phụ huynh do xấu hổ, lo lắng đến tương lai hoặc bị chính nghi phạm đe dọa mà bị hại không dám tố cáo ngay đến cảnh sát. Đến khi nhà chức trách vào cuộc, các chứng cứ của vụ án không còn đầy đủ, nguyên vẹn dẫn đến việc điều tra gặp khó khăn.
Khi phát hiện trẻ bị xâm hại, người thân của trẻ cần phải giữ bí mật (trừ việc cung cấp cho cảnh sát), bởi nếu để lộ thông tin thì hung thủ có thể bỏ trốn, xóa dấu vết... Quần áo, tư trang của trẻ phải giữ nguyên. Gia đình cũng không nên tắm rửa ngay cho trẻ vì sẽ làm mất dấu vết như lông tóc, tinh dịch, các vết cào cấu trên cơ thể; máu, da của hung thủ có trong móng tay của trẻ... Đây là các chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án.
Việc trình báo có thể ở bất kỳ nơi nào gần nhất. Trong quá trình nhà chức trách làm việc, người thân của trẻ phải tham dự để động viên các em.