Ngày 25/6, tại hội thảo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đại tá Phạm Mạnh Thường (Phó Cục trưởng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, trước diễn biến phức tạp của việc xâm hại tình dục trẻ em, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo toàn ngành quyết liệt xử lý. Công an địa phương phải thông báo các vụ xâm hại trẻ em để Bộ Công an hướng dẫn và cử người xuống hỗ trợ điều tra.
"Bộ Công an có đường dây nóng 113 tiếp nhận thông tin 24/24h. Bộ đang triển khai dự án nâng cao năng lực cho cán bộ, điều tra viên; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng 10 phòng phỏng vấn, xét hỏi thân thiện ở 10 tỉnh", ông Thường nói và cho biết, các phòng hỏi đều có đầy đủ người biết tiếng địa phương, tiếng Anh. Nếu trẻ bị xâm hại là bé gái, người hỏi và bác sĩ đều là nữ có chuyên môn cao.
Theo Cục phó Cảnh sát hình sự, công an sẽ điều tra theo tuyến địa bàn trọng điểm, dùng nghiệp vụ để ngăn chặn các hành vi phạm tội, lên danh sách người có tiền án, tiền sự (kể cả người nước ngoài lưu trú trên địa bàn, người nước ngoài về thăm thân, đi du lịch...) để quản lý. Bộ Công an cùng các bộ, liên ngành đang nghiên cứu, tham mưu sửa đổi các điều luật cho phù hợp thực tế.
"Chúng tôi nâng cao hợp tác quốc tế thông qua con đường ngoại giao. Nếu người nước ngoài vi phạm tại Việt Nam, cơ quan chức năng của họ sẽ sang cùng điều tra; nếu xảy ra ở các nước, Việt Nam cũng sang phối hợp", đại tá Thường cho hay.
Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an). Ảnh: Kỳ Anh |
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu băn khoăn vì sao công an 'điều tra thận trọng' trong vụ án Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) bị khởi tố về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, theo khoản 1 điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo bà Nguyễn Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trong 25 quyền của trẻ em được quy định trong luật có quyền không bị xâm hại, không bị bỏ rơi... Vì vậy, bà đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời các vụ xâm hại tình dục trẻ em, nếu không sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Vài tháng trước, Uỷ ban Tư pháp từng đề nghị Bộ Công an giải trình vì sao gần 20 ngày từ khi nhận được tin báo mà cơ quan chức năng chưa xử lý nghi phạm Nguyễn Hữu Linh.
Đại tá Phạm Mạnh Thường giải thích trong quá trình điều tra vụ án này, công an quận 4 (TP HCM) nhận được nhiều thông tin nên phải tiến hành thận trọng.
Sáng 25/6, TAND quận 4 trong phiên xét xử kín đã trả hồ sơ vụ án ông Nguyễn Hữu Linh để điều tra bổ sung một số tình tiết vụ án, làm rõ căn cứ buộc tội bị cáo. Trước đó, luật sư bào chữa cho ông Linh yêu cầu giám định lại, chứng minh hành vi phạm tội của thân chủ.
Ngày 2/4, Công an quận 4 phát hiện mạng xã hội đăng video người đàn ông có hành vi ôm hôn, xâm phạm bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 trên đường Nguyễn Khoái.
Ban quản lý chung cư đã trích xuất camera, rà soát các căn hộ liên quan và kiểm tra thẻ ID vào thang máy, xác định ông Linh là nghi can. Ông này từ nơi khác đến tạm trú nhà con trai, thừa nhận thấy bé gái dễ thương nên ôm hôn và xin lỗi gia đình cô bé.
Theo cáo trạng, ngay từ đầu Linh khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng, CMND do Công an tỉnh Quảng Nam cấp và quay về nhà ở Đà Nẵng ngay sau đó. Ngày 3/4, Linh đến Công an quận 4 trình diện, khai uống một lon bia trước khi về nhà con trai ở chung cư, có ôm hôn bé gái 3 lần vì thấy dễ thương chứ không có ý định xâm hại.
Bé gái cho biết bị ông này ôm vào bụng, tay còn lại choàng qua đầu rồi hôn vào má. Lúc sau ông tiếp tục dùng tay phải ôm từ phía sau, kéo ngực cháu để lưng dựa vào người ông ta. Gia đình bị hại có đơn yêu cầu không xử lý hình sự Linh. Tuy nhiên, một tháng sau, ông ta bị khởi tố.