Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm về việc Hà Nội ban hành nội quy của trụ sở cơ quan tiếp công dân, trong đó có việc "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được đồng ý của người tiếp công dân".
Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của các bộ, công nhân viên chức trong quá trình thi hành công vụ.
Trên tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, vì thế quy chế cấm người dân quay phim, chụp ảnh là trái luật, trái với quyền dân chủ và thực hành giám sát của công dân.
Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, cán bộ tiếp công dân là những người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi công vụ, là tượng trưng cho sự "công khai, dân chủ, công bằng, văn minh"; là hình ảnh đại diện cho bộ máy quản lý nhà nước. Đây là quan hệ hành chính nhà nước chứ không phải quan hệ dân sự thông thường và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.
Trụ sở tiếp công dân là nơi người dân thường xuyên ra vào nên không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg. Chỉ ở những nơi được coi là thuộc phạm vi bí mật Nhà nước như khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền.
Nếu những đoạn phim, hình ảnh do công dân quay được thể hiện cán bộ tiếp công dân có hành vi sai trái, không đúng với các quy định pháp luật thì người dân có quyền sử dụng làm bằng chứng tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền.
Luật không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh song cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý "quay phim, chụp ảnh" là để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp. Người vi phạm sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng vừa có hiệu lực hoặc có thể bị xử lý hình sự.
Quy trình sử dụng các đoạn phim, hình ảnh đó sẽ căn cứ theo trình tự tố tụng tại tòa án hoặc khiếu nại, kiến nghị theo thủ tục hành chính. Nếu việc sử dụng được xem là đem lại công bằng - dân chủ cho người dân, giữ vững kỷ cương - pháp chế nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, khi đó hình ảnh đã được sử dụng hợp pháp.
Việc UBND Hà Nội ra quy chế, nội quy tại trụ sở tiếp công dân cũng dựa trên tinh thần giữ an ninh trật tự, sự tôn nghiêm tại nơi thực hiện công vụ, tuy nhiên lại triệt tiêu quyền tự do của công dân vốn không bị pháp luật cấm.