Bộ Tài chính đã thống kê tình hình thu phí, lệ phí hiện nay, theo đó, nơi thu ít cũng hơn 30 loại, nhiều đến trên 100 loại. Nguyên nhân là nhiều cơ quan thu phí đã biến những khoản đóng góp mang tính tự nguyện thành khoản thu bắt buộc. Đặc biệt, nhiều cấp chính quyền xã, phường đã tự do ban hành các khoản thu. Ngoài ra, còn nhiều khoản có chung bản chất nhưng mỗi ngành, mỗi địa phương lại quy định thu, mức thu, cách làm khác nhau (như phí cầu đường).
Ban soạn thảo dự kiến Pháp lệnh Phí và lệ phí sẽ chỉ thừa nhận tính hợp pháp của 7 nhóm phí và 5 nhóm lệ phí, với liệt kê chi tiết khoảng gần 40 loại phí và hơn 25 loại lệ phí. Cụ thể:
- Việc xác định quyền và nghĩa vụ của công dân chỉ tồn tại 5 loại lệ phí: lệ phí quốc tịch; lệ phí cấp hộ chiếu, xuất nhập cảnh; lệ phí quản lý hành chính về hộ tịch, hộ khẩu; lệ phí quản lý hành chính nhà nước tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và lệ phí tòa án.
- Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chỉ thừa nhận 5 loại: lệ phí trước bạ; lệ phí địa chính; lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm; lệ phí cấp quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và lệ phí đăng ký, cấp biển cho phương tiện giao thông.
- Trong nhóm phí thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, sẽ chỉ tiến hành thu đối với 3 khoản: phí sử dụng đất công, chợ, bãi, mặt nước; phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phí kiểm định, kiểm nghiệm vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị.
- Ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng là 4 khoản thu: phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, thông tin về tài chính doanh nghiệp; phí tham gia đấu thầu, đấu giá; phí bảo lãnh và phí sử dụng thiết bị, cơ sở hạ tầng chứng khoán.
- Nhóm lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường còn 6 loại phí. Cả 6 lĩnh vực là y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo, du lịch và an ninh trật tự được gộp vào một nhóm với 12 loại phí. Nhóm lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có số khoản thu phí ít nhất, 2 loại.
Một quan chức Bộ Tài chính phát biểu rằng chỉ ban hành Pháp lệnh Phí và lệ phí, trong đó quy định rõ danh mục cùng mức thu thì mới có thể lập lại trật tự trong lĩnh vực này.
Việc xây dựng pháp lệnh này bắt đầu từ năm 1993 và qua 10 lần dự thảo, nhiều lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng do tính chất nhạy cảm, phức tạp... nên đến nay vẫn chưa thể ban hành.
(Theo Đầu Tư, 31/3)