Sáng 13/10/2011, cô bé Yue Yue hai tuổi bị tông xe bên ngoài cửa hàng của gia đình ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong 7 phút sau đó, 18 người bước qua bé gái nằm bất động và chảy máu trên đường nhưng không ai dừng lại. Yue Yue chỉ được cứu khi một người nhặt rác nhìn thấy và thông báo cho bố mẹ em. Yue Yue tử vong sau hơn một tuần chữa trị.
Theo Chinadaily, camera ghi lại hình ảnh sự việc của cô bé Yue Yue đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thờ ơ trước người gặp nạn ở địa phương. Nhưng thay vì mạt sát như đa số, một số ít lên tiếng cảm thông với 18 người qua đường, cho rằng tâm lý sợ phiền phức của họ không phải không có căn cứ. Trước đó ở Trung Quốc đã lan truyền rộng rãi câu chuyện "làm ơn mắc oán": Sinh viên Peng Yu (ở Nam Kinh, Giang Tô) đã phải bồi thường hơn 45.000 nhân dân tệ vì bị cho rằng đã đẩy ngã bà lão 65 tuổi tại trạm chờ xe bus. Peng Yu luôn khẳng định mình chỉ giúp đỡ bà lão dậy sau khi ngã.
Để khuyến khích hành động cứu người gặp nạn, năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận tại điều 184 Bộ luật Dân sự rằng: Người nào tự nguyện ra tay giúp người gặp nạn trong lúc nguy cấp mà gây thiệt hại cho nạn nhân thì được miễn trách nhiệm dân sự.
Quy định miễn trách nhiệm của người giúp đỡ mà Trung Quốc ban hành có tên gọi riêng là "luật người tốt" (Good Samaritan law). Luật người tốt thường xuất hiện ở một số nước theo hệ thống Thông luật như Canada, Mỹ và Australia...
Ví dụ như ở bang California, Mỹ, người giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp không phải bồi thường dù lỡ gây ra thiệt hại (thậm chí là tử vong), miễn là người đó hành động hợp lý, thiện chí và không đòi trả công.
Giả sử có người bị tim ngừng đập giữa đường. Khi ấy một người khác tới tự nguyện thực hiện hô hấp nhân tạo theo cách từng được học (theo nhịp 15 cái ấn ngực, hai lần hô hấp) nhưng người kia không qua khỏi. Một lúc sau, nhân viên y tế tới nơi và cho biết quy trình hô hấp nhân tạo mới là theo nhịp 30 cái ấn ngực, 2 lần hô hấp. Mặc dù vậy, người giúp đỡ vẫn sẽ được luật người tốt bảo vệ vì anh ta là người không có chuyên môn y tế, không cần phải cập nhật thông tin về quy trình hô hấp nhân tạo, và đã thực hiện hết khả năng của mình.
Tuy nhiên, luật người tốt cũng có một số ngoại lệ. Chẳng hạn, người giúp đỡ sẽ không được luật người tốt bảo vệ nếu anh ta cũng chính là người gây ra tình trạng nguy hiểm cho nạn nhân. Chuyên viên y tế trong quá trình cấp cứu không được luật người tốt bảo vệ vì họ có kiến thức và được đào tạo chuyên môn, phải tuân thủ các quy trình hoặc tiêu chuẩn nhất định.
Theo Citylab, cùng là mục đích khuyến khích cứu giúp người gặp nạn, một số nước hoặc khu vực theo hệ thống Dân luật (như Đức, Pháp, Thụy Điển,...) thường ban hành quy định theo hướng "nghĩa vụ giúp đỡ", tức là người nào thấy người gặp hoạn nạn mà không giúp đỡ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việt Nam là nước thuộc nhóm này với cách quy định tại điều 132, Bộ luật Hình sự 2015: Người nào có điều kiện mà không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng, dẫn đến hậu quả người đó chết thì có thể bị phạt tù tới hai năm.
Isarel yêu cầu người xung quanh trợ giúp người gặp nạn và có thể được bồi hoàn sau đó. Ở Đức, người thờ ơ không giúp đỡ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn người giúp đỡ được pháp luật bảo vệ nếu thực hiện hành động với sự thiện chí, theo Citylab. Vào tháng 9/2017, ba người đã bị toà án phạt từ 2.900 tới 4.300 USD vì bỏ mặc cụ ông 83 tuổi đổ gục tại cửa ra vào ngân hàng.
Dù quy định theo hướng nào, "luật người tốt" hay "nghĩa vụ giúp đỡ", mục đích của điều luật cũng hướng tới sự kết dính xã hội, đề cao tinh thần giúp đỡ người khác trong hoạn nạn.