22 người nước ngoài bị Phòng CSGT (PC08) Công an TP HCM lập biên bản xử phạt, tạm giữ 21 xe máy, sau nửa tháng siết chặt việc chấp hành luật giao thông đường bộ đối với du khách. Trong đó, một số người không hợp tác, không thừa nhận vi phạm, không ký biên bản.
Như trường hợp người đàn ông quốc tịch Mỹ không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy trên đường Bùi Viện (quận 1) ngày 16/8. Bị cảnh sát dừng xe, ông ta tỏ thái độ phản đối, không xuất trình giấy tờ. Cán bộ CSGT nói tiếng Anh, phân tích lỗi vi phạm, song ông này bỏ đi, để xe máy lại. Tổ công tác lập biên bản với nhân chứng, sau đó đưa xe về trụ sở xác minh chủ sở hữu, xử lý.
Ngày 1/9, trung tá Nguyễn Trọng Sơn - Phó Phòng CSGT (PC08) Công an TP HCM cho biết, người nước ngoài vi phạm giao thông không hiểu tiếng Việt có thể không ký vào biên bản xử phạt, hoặc ký nhưng sau đó trình bày không hiểu những lỗi vi phạm, thì biên bản vẫn có giá trị pháp lý.
Bằng chứng để xử phạt là hình ảnh camera ghi lại hành vi vi phạm. Trong mọi trường hợp, tổ công tác đều trao đổi, giải thích bằng tiếng Anh về lỗi vi phạm, hình thức xử phạt và việc đóng phạt cho người vi phạm hiểu.
Pháp luật Việt Nam quy định các văn bản của cơ quan, tổ chức phải thiết lập bằng ngôn ngữ Tiếng Việt. Nếu không đọc được, người vi phạm có thể nhờ phiên dịch nội dung biên bản. Tổ công tác sẽ mời hai người làm chứng cùng ký vào biên bản để đủ cơ sở xử lý theo Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP HCM), Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định cá nhân, tổ chức nước ngoài là đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính. Hình thức xử phạt và mức xử phạt như công dân Việt Nam.
"Tuy nhiên, khi CSGT mời người làm chứng để lập biên bản vi phạm thì người này phải hiểu tiếng Anh, hiểu cuộc trao đổi giữa công an và người vi phạm thì mới khách quan, thuyết phục", luật sư Thanh nói.
Ngoài ra, để có tính độc lập trong việc xử lý, người thông dịch cho du khách nước ngoài phải là người ngoài chứ không phải là chiến sĩ làm nhiệm vụ. Biên bản xử phạt hành chính cũng nên là văn bản song ngữ (Việt – Anh) để người vi phạm hiểu rõ hơn về chế tài xử phạt.
TP HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước nên tập trung lượng lớn doanh nhân, du khách nước ngoài đến định cư, làm việc, du lịch. Tình trạng người nước ngoài vi phạm luật giao thông ở đây cũng cao nhất cả nước. Lỗi vi phạm thường là: không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, biển báo, chạy không đúng phần đường...
Theo PC08, bất đồng ngôn ngữ vẫn là khó khăn chủ yếu trong quá trình xử lý người nước ngoài vi phạm. Dù CSGT giải thích bằng tiếng Anh nhưng khó để giúp người nước ngoài hiểu cặn kẽ và quy định và chấp hành thực hiện xử phạt. Vì vậy, việc xử lý một trường hợp thường mất 60-80 phút.
Trường hợp người nước ngoài thuê các phương tiện, khi vi phạm và bị lập biên bản, nếu người nước ngoài không giao biên bản vi phạm hành chính và quyết định tạm giữ phương tiện cho các đại diện cơ sở cho thuê thì khó xác định chủ phương tiện hoặc đại diện hợp pháp để thực hiện các quyết định xử lý vi phạm.
Uyên Trinh