Đám cháy bùng lên dữ dội vào khung giờ cao điểm tại một cửa hàng thuộc thành phố Pasadena, bang California, Mỹ vào ngày 19/10/1984. Sau khi ngọn lửa được dập tắt, nhà chức trách tìm được tại hiện trường thiết bị gây cháy là điếu thuốc lá được gắn với diêm bằng dây chun. Cuộc điều tra sau đó đi vào ngõ cụt vì không tìm được manh mối mới.
Trong năm 1987 và 1989, hai buổi hội thảo dành cho các điều tra viên hỏa hoạn công tác tại California được tổ chức lần lượt tại thành phố Fresno và Pacific Grove. Mỗi khi có hội thảo, xung quanh địa điểm tổ chức đều đột ngột xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn tại các cửa hàng bán đồ vải và xốp dễ cháy. Công cụ gây cháy được làm từ điếu thuốc lá và que diêm, giống với đám cháy ở Pasadena. Tại một hiện trường, điều tra viên tìm được mẩu giấy bị cháy dở bên cạnh thiết bị gây án, qua đó tìm được dấu vân tay không nguyên vẹn.
Dựa trên địa điểm và thời gian xảy ra cháy, một số điều tra viên hỏa hoạn nghi ngờ kẻ gây án nhiều khả năng là đồng nghiệp của họ tới dự hội thảo. Nhà chức trách hai thành phố đối chiếu danh sách những người tham dự cả hai buổi hội thảo và có đi qua tuyến đường xảy ra hỏa hoạn, cuối cùng rút ra danh sách 10 người tình nghi. Tuy nhiên, không đối tượng nào có dấu vân tay trùng khớp với dấu vân tay không nguyên vẹn kia.
Tới cuối năm 1990, đầu năm 1991, trung tâm thành phố Los Angeles lại hứng chịu chuỗi vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, có khi ba vụ cháy xảy ra liên tiếp trong chưa đầy một tiếng. Những cửa hàng đều bán các loại vật liệu như gối, xốp, vải vóc, và có cự ly gần nhau. Hung thủ cũng dùng thiết bị cháy chậm để gây án.
Biết phải đấu trí với kẻ phóng hỏa hàng loạt có thể đang ẩn náu trong hàng ngũ của mình, điều tra viên bốn thành phố trước đó bị hỏa hoạn liên kết với nhau để lập tổ chuyên án Gối Lửa, lấy tên theo loại vật dụng mà kẻ gây án hay dùng làm mồi lửa.
Bằng công nghệ vân tay mới tiên tiến hơn, ban chuyên án đối chiếu mẫu vân tay không nguyên vẹn với cơ sở dữ liệu của phòng cảnh sát thành phố Los Angeles (cơ sở dữ liệu này không chỉ lưu trữ vân tay tội phạm mà còn của mọi thành viên lực lượng chấp pháp). Ngày 17/4/1991, phòng giám định cho kết quả trùng khớp với ngón út trái của John Orr – điều tra viên hỏa hoạn thuộc phòng cảnh sát chữa cháy thành phố Glendale – cách Pasadena và Los Angeles đều dưới 10 dặm. Tên của John cũng từng xuất hiện trong danh sách 10 người tình nghi ban đầu.
Qua tìm hiểu, ban chuyên án được biết John đã công tác trong phòng cảnh sát chữa cháy tại thành phố Glendale từ giữa những năm 1970. Người này được nhiều nhân viên dưới quyền kính trọng vì thường tới hiện trường trước tiên dù không trong ca trực, lại có thể mau chóng chỉ ra được điểm khởi phát của đám cháy.
Ban chuyên án thoạt đầu đặt thiết bị định vị hòng bắt quả tang nhưng bị John phát hiện. Nhà chức trách lại chuyển sang tìm chứng cứ buộc tội John thực hiện những vụ cháy cũ, từ đó phát hiện lịch sử đi lại của nghi phạm và địa điểm xảy ra vụ hỏa hoạn đều rất trùng khớp. Nhân chứng tại một số nơi gặp hỏa hoạn cũng làm chứng cho biết nhìn thấy John tại hiện trường.
Nhưng có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất là cuốn tiểu thuyết mà John định xuất bản, có tên "Điểm bùng cháy". Trong truyện, nhân vật chính là điều tra viên hỏa hoạn cũng như John, nhưng lại có sở thích phóng hỏa.
Ban chuyên án phát hiện tình tiết trong tiểu thuyết gần như trùng khớp với các vụ cháy ngoài đời, nếu không phải hung thủ thì khó biết rõ. Ví dụ, trong vụ cháy lớn năm 1984, nhân chứng sống sót kể lại hai bà cháu trong số bốn người thiệt mạng định đi ăn kem vị sô cô la bạc hà sau khi mua đồ. Vì chi tiết này giống hệt trong tiểu thuyết, nhà chức trách suy luận John ắt đã ở rất gần hai nạn nhân ngay trước lúc xảy ra hỏa hoạn.
Cho rằng đã đủ bằng chứng, ban chuyên án bắt giữ John tại nhà riêng vào ngày 4/12/1991. Nhà chức trách khám nhà nghi phạm, phát hiện một số video quay lại cảnh xe cứu hỏa tới hiện trường và đặt nghi vấn: Tại sao một người có thể thường xuyên tới hiện trường trước cả xe cứu hỏa và quay lại video nếu không phải thủ phạm?
Ra tòa, luật sư bào chữa đã phản bác bằng chứng của công tố viên, đặc biệt là muốn "dìm" cuốn tiểu thuyết. Họ khẳng định rằng cuốn tiểu thuyết là tác phẩm hư cấu, được mô phỏng theo sự kiện có thật. Những tình tiết trong truyện giống thật là do kinh nghiệm công tác lâu năm của John.
Công tố viên phản bác vì chi tiết trong truyện quá trùng hợp với thực tế. Phía công tố khẳng định cuốn tiểu thuyết có thể được coi như lời tự thú của John, qua đó thể hiện động cơ gây án là để được thỏa mãn tình dục trước trận hỏa hoạn lớn.
Cuối cùng, ngày 31/7/1992, bồi thẩm đoàn kết án John phạm tội Phóng hỏa trong 20 vụ quanh bang California và tuyên phạt 30 năm tù. Ngày 26/6/1998, John tiếp tục bị kết án tội Giết người, nhận án tù chung thân không ân xá, phải trả 90.000 USD tiền khắc phục hậu quả.
John được coi là kẻ phóng hỏa gây thiệt hại lớn nhất về người và của từ trước tới nay trong lịch sử Mỹ, đang chấp hành án tại nhà tù tiểu bang California.
Quốc Đạt (Theo Oxygen, New York Times, Los Angeles Times)