Ngày 1/9, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã chấp nhận một phần đơn kháng cáo, tuyên giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm (mức cao nhất của án tù có thời hạn) đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên giám đốc BQL dự án Đại lộ Đông - Tây) về tội "nhận hối lộ".
Tòa cũng chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phan Thị Lịch Sa (vợ ông Sĩ), giải tỏa kê biên một căn nhà, tiếp tục kê biên căn nhà còn lại của vợ chồng ông Sĩ để đảm bào thi hành án.
Trước đó, trong lời nói sau cùng, ông Sĩ vẫn kêu oan và kể lể nhiều đóng góp của bản thân và gia đình cho xã hội, cho đất nước. Nhưng đến phút cuối, ông này lại cho rằng: "Trong trường hợp Tòa vẫn tuyên bị cáo có tội thì xin xem xét lại mức án cho bị cáo. Mức án 20 năm tù mà VKS đã đề nghị giảm xuống cho bị cáo vẫn còn quá nặng".
Ông Sĩ căng thẳng trước giờ tuyên án. Ảnh: Vũ Mai |
Theo HĐXX, vụ án tham nhũng của Huỳnh Ngọc Sĩ được phát hiện từ tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp và những chứng cứ điều tra khách quan của Bộ công an. Đây là hai nguồn chứng cứ hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với nhiều tài liệu khác.
Theo đó, khi biết Nhật Bản sẽ tài trợ vốn ODA cho dự án này, các quan chức PCI quyết định phải đưa hối lộ cho các “sếp” phụ trách để nhận được các gói thầu tư vấn dự án và có thể rút tiền từ ngân hàng đại diện chính phủ Nhật Bản làm vốn thực hiện gói thầu.
Do vậy, ban lãnh đạo PCI tìm cách tiếp cận ông Huỳnh Ngọc Sĩ (giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây, là người có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến dự án) để thỏa thuận "chung chi" kèm theo những yêu cầu: Được "dễ dãi" khi đấu thầu, hưởng mức lương chuyên gia tư vấn nước ngoài cao hơn quy định; được chỉ định thầu, thanh toán tiền nhanh. Theo đó, PCI chấp nhận "lót tay" cho ông Sĩ 10% giá trị hợp đồng lần thứ nhất (tương đương 900.000 USD) và 11% hợp đồng lần 2 (tương đương 1.700.000 USD).
HĐXX cho rằng, dù ông Sĩ không thừa nhận đã thỏa thuận nhận tiền để làm những việc có lợi cho PCI mà chỉ làm đúng theo trách nhiệm, theo thẩm quyền, nhưng rõ ràng ông này đã khiến mức lương của chuyên gia nước ngoài cao hơn, việc làm này là có lợi cho PCI.
"Tại sao BQL dự án không tổ chức đấu thầu mà lại chỉ định thầu cho PCI? Sao không chỉ định nhà thầu khác? Phải chăng vì nhận tiền từ PCI và phải làm đúng theo yêu cầu của họ? Vô tình hay cố ý?... HĐXX khẳng định bị cáo đã làm lợi cho PCI theo đúng yêu cầu của họ sau khi đưa tiền", bản án nêu.
Theo tòa, PCI tổng cộng đã 7 lần đưa tiền cho Huỳnh Ngọc Sĩ và cơ quan điều tra chỉ chứng minh được một lần. Mọi căn cứ có trong vụ án, lời khai những người liên quan, nhân chứng đều khai rất rõ về lần “đi đêm” này. Những lời khai phù hợp về thời gian, địa điểm, số tiền rút từ ngân hàng (140.000 USD mang từ ngân hàng về, 40.000 USD đổi từ tiền Việt Nam, 80.000 USD mang từ Nhật sang); họ cũng nhận diện được ông Sĩ qua ảnh và mô phỏng phòng làm việc của "cựu" giám đốc dù chỉ qua Việt Nam một lần…
"Cấp sơ thẩm xác định Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận 262.000 USD là có căn cứ. Bị cáo nhận số tiền này khi đang giữ chức vụ giám đốc BQL dự án Đại lộ Đông - Tây, bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm lợi cho PCI. Cấp sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội nhận hối lộ là đúng, không oan", HĐXX nhận định.
Ông Sĩ đã thoải mái hơn nhiều sau phiên tòa phúc thẩm được giảm án. Ảnh: Vũ Mai. |
Cũng theo Tòa phúc thẩm, tội danh mà ông Sĩ phạm phải là tội nguy hiểm nhất trong các tội tham nhũng, gián tiếp xâm hại lợi ích của nhân dân, gây bất bình dư luận, số tiền phạm tội là đặc biệt lớn (262.000 USD tương đương hơn 5 tỷ đồng)... Cấp sơ thẩm phạt ông Sĩ mức án chung thân là thỏa đáng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình ông Sĩ đã nộp 3 tỷ đồng thu lợi bất chính. Dù suốt quá trình điều tra và xét xử ông Sĩ đều kêu oan, phủ nhận mọi tội lỗi nhưng trong lời nói sau cùng ông Sĩ lại nói "nếu có tội thì xin được giảm nhẹ hình phạt". Bản thân bị cáo có nhiều cống hiến trong hơn 30 năm công tác, gia đình có công cách mạng... Từ đó, HĐXX cho rằng chỉ cần áp dụng mức án cao nhất của hình phạt tù có thời hạn đối với ông Sĩ.
Về phần kháng cáo của bà Sa, HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm đã xử đúng khi kê biên 2 căn nhà của vợ chồng ông Sĩ. Nhưng hiện nay bà Sa đã nộp 3 tỷ đồng thi hành án (trong số hơn 5 tỷ đồng ông Sĩ phải nộp) mà giá trị thực của các căn nhà đến hơn 10 tỷ. Vì vậy chỉ cần kê biên một căn cũng đủ đảm bảo thi hành án.
Ngoài vụ án này, ông Sĩ đang thụ án 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có sai phạm về tài chính trong quản lý dự án đại lộ Đông - Tây.
Vũ Mai