Anh Trần Văn Quý (phụ xe) cho biết, trước vụ nổ 9 ngày (tối 21/9/2014), xe đang đỗ đón khách tại bến xe Vinh có một nam thanh niên đến gặp để gửi một gói hàng đến cây xăng Trường Lâm ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá và dặn đến nơi gọi điện vào số ghi trên gói quà sẽ có người ra nhận. Anh Quý hỏi số điện thoại của người gửi nhưng anh ta không cho.
Hôm sau khi xe chạy đến địa chỉ trên, phụ xe gọi vào số điện thoại ghi trên hộp quà nhưng không liên lạc được nên gói hàng vẫn để ở trên xe. Sáng 30/9/2014, một người mở gói quà ra xem thì thấy đó là một chiếc loa nghe nhạc box nên cắm điện, bật công tắc nghe thử và tiếng nổ lớn vang lên.
Tiếng nổ xé tai cùng mảnh bắn của "quả bom" trong chớp mắt đã hạ gục lái xe khi xe đang chạy trên đường ra Hà Nội với tốc độ cao. Rất may không có tai nạn xảy ra cho đến khi chiếc xe dừng lại được. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận vật gây nổ là mìn tự chế.
Thiếu tá Trần Hoa Kỳ (nguyên Đội trưởng Trọng án, Phòng PC45, Công an tỉnh Nghệ An) kể: Vì thời gian từ lúc gửi hàng đến khi bom phát nổ trên xe cách nhau 9 ngày nên anh Quý không thể nhớ đặc điểm nhận dạng của người gửi hàng. Việc rà soát nhân chứng hiện trường cũng không thu được thông tin gì đáng kể. Các trinh sát dồn hy vọng vào hệ thống camera ở bến xe Vinh song ở đây trong 8 chiếc thì 5 bị hỏng, 3 camera còn lại chỉ cho những hình ảnh nhòe nhoẹt.
Do cơ chế máy ghi đè hình ảnh mới lên tư liệu cũ nên dù đưa cả ổ cứng đến nhờ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) phục hồi nhưng cũng không có kết quả. Không có manh mối nào nổi bật đã làm phát sinh nhiều giả thuyết, trong đó không loại trừ việc các nhà xe giải quyết mâu thuẫn cạnh tranh trong làm ăn. Đi theo hướng này, việc điều tra vẫn "giậm chân tại chỗ".
Cùng lúc, một hướng lần theo thông tin ghi trên gói hàng được mở ra. Khi khám nghiệm xe, cảnh sát thu được vỏ chiếc loa có ghi địa chỉ và số điện thoại của người nhận hàng. Chủ thuê bao được xác định là anh Lê Công Tùng (ở xã Quỳnh Lộc, thị xã. Hoàng Mai, Nghệ An), chuyên làm cửa cuốn, cửa sắt và nhận thầu thi công các công trình làm trần thạch cao, sơn, ốp.
Tại thời điểm xảy ra vụ nổ, Tùng đang làm việc tại các tỉnh phía Bắc. Sau nhiều ngày tìm kiếm mới gặp được anh này, cảnh sát biết anh nhiều lần nhận được tin nhắn đe dọa giết cả nhà. Tùng có hàng loạt mâu thuẫn cạnh tranh trong làm ăn, vay nợ, tranh chấp đất đai và quan hệ tình cảm... Ban chuyên án tung quân đi Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam... dựng lại các mâu thuẫn để rà soát, loại trừ. Cuối cùng "đọng" lại 3 "mối" chính. Đó là một cô gái từng quan hệ tình cảm nhưng sau đó chia tay, có lần nhắn tin dọa giết cả nhà. "Mối" thứ hai là người công nhân trước đây làm việc cho Tùng nhưng bị đuổi việc nên đem lòng thù tức.
Mâu thuẫn thứ ba bị chú ý nhất là một kẻ mang nick name trên Zalo là "Đệ kaka". Tùng cho biết đã nhiều lần bị tên này nhắn tin dọa giết. Qua rà soát, cơ quan điều tra đã loại trừ nghi vấn về cô gái và người công nhân, chỉ còn lại kẻ mang nick "Đệ kaka". Tuy nhiên, khó khăn với cảnh sát là Tùng chưa từng gặp mặt tên này, không biết ở đâu. Tài khoản trên mạng Zalo của người này cũng đã bị gỡ xuống, chỉ có một chi tiết là trong một tin nhắn đe dọa Tùng, "Đệ kaka" bộc lộ mình làm nghề ốp trần thạch cao. "Đây chính là manh mối hết sức quan trọng để chúng tôi có những bước đi tiếp theo", ông Kỳ kể.
Cảnh sát sau đó tập trung nghi vấn vào Lê Đức Đệ (25 tuổi, ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Người này thỏa mãn mấy dấu hiệu: cùng làm nghề ốp trần thạch cao; cũng đã mấy lần tranh giành mối việc với Tùng, sinh sống ở vùng có nhiều mỏ đá, nơi nhiều người biết chế tạo mìn. "Việc còn lại là làm thế nào để lấy được "tự dạng" (mẫu chữ) của Đệ để đối chiếu, so sánh, truy nguyên đồng nhất với mẫu chữ trên vỏ loa.
Ban chuyên án đã triển khai "kịch bản" để Đệ tự bộc lộ. Một ngôi nhà đang xây được thuê để làm "đạo cụ", cùng thông tin tìm thợ làm trần thạch cao được "bắn" đi. "Tôi là "thầy giáo" chủ nhà, còn anh Quý (phụ xe) vào vai thợ xây. Quả nhiên, chiêu "rắc thính dụ cá" đã có kết quả. Đệ tự tìm đến gặp tôi tại ngôi nhà đó sau 4 lần giao dịch qua điện thoại", ông Kỳ nhớ lại.
Thỏa thuận chóng vánh nhưng khi yêu cầu viết báo giá thì Tùng tỏ ra rất cảnh giác, chần chừ mãi mới cầm bút mà toàn viết chữ in hoa. Anh Quý cũng không nhận mặt được vì thời gian qua đã lâu. Công việc lại lâm vào bế tắc.
Tiếp tục nắm tình hình về Đệ, trinh sát biết vợ chồng anh ta vừa mở một ki ốt kinh doanh đèn ốp trần ở xã Quỳnh Thiện. Công tác kiểm tra hành chính, khai báo tạm trú và khai báo kinh doanh được triển khai rất bài bản... nhưng mẫu chữ thu được của Đệ vẫn không đồng nhất (vì đã thay đổi kiểu chữ thường viết).
Những thủ đoạn đối phó ấy càng làm trinh sát có thêm niềm tin thủ phạm vụ "bom thư" chính là Đệ, nên tiếp tục điều tra. Qua việc Đệ bán một chiếc xe Air Blade không giấy tờ vào đầu năm 2014, Ban chuyên án quyết định triệu tập Đệ để làm rõ về chiếc xe. "Rút kinh nghiệm hai lần trước, lần này chúng tôi yêu cầu Đệ phải viết đi viết lại nhiều bản tường trình với nhiều nội dung khác nhau, buộc hắn phải trở về với nguyên bản chữ của mình", vị cựu đội trưởng điều tra nói.
Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự xác định mẫu chữ viết của Đệ trên các bản tường trình này và mẫu chữ trên vỏ "bom thư" là do cùng một người viết ra. Đệ bị bắt.
Đệ khai rắp tâm hãm hại Tùng vì cay cú trong những lần "bỏ giá" thầu làm trần thạch cao, anh này luôn "chào" thấp hơn vài giá, khiến Đệ thấy "hết cửa" làm ăn.
Với kinh nghiệm chế tạo mìn phá đá, Đệ đã làm một quả bom tự tạo nhét trong chiếc loa nghe nhạc, vận hành theo cơ chế chỉ cần cắm điện bật công tắc là khối nổ được kích hoạt. Án mạng không xảy ra nằm ngoài ý muốn của hắn.
Ngày 22/5, phiên xử Đệ được mở tại TAND tỉnh Nghệ An nhưng đã phải hoãn do nghi can trong lúc trả lời lý lịch đã ngất trong vành móng ngựa.
Theo Cảnh sát toàn cầu