Theo Criminaldefenselawyer, mỗi bang ở Mỹ đều tổ chức chương trình quản chế và thông báo tội phạm tình dục. Luật pháp quy định người từng phạm tội xâm hại tình dục phải đăng ký thường trú với hệ thống quản chế tội phạm xâm hại tình dục ở địa phương sinh sống.
Trên thực tế, thông tin buộc họ khai báo không chỉ giới hạn về địa chỉ nhà riêng mà còn bao gồm tên tuổi, ngày tháng năm sinh, chủng tộc, chiều cao, cân nặng, màu mắt, địa chỉ, số bằng lái xe, vân tay, tiền án tiền sự, các tài khoản mạng, địa chỉ công ty đang làm việc, địa chỉ trường đang theo học...
Sau khi đăng ký, thông tin được lưu trữ trong hệ thống dữ liệu quản chế. Toàn bộ hoặc một phần những thông tin này sẽ được đăng tải công khai trên trang web chính thức của mỗi bang. Từ đó, người dân có thể biết được có những kẻ có tiền án nào sống gần đó và có biện pháp đề phòng thích hợp.
Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Trung tâm Quốc gia Hỗ trợ Trẻ em Mất tích và bị Lạm dụng (Mỹ), năm 2016 có khoảng 859.5000 người từng phạm tội xâm hại tình dục có thông tin lưu trữ trong hệ thống.
Sự ra đời và phát triển của hệ thống quản chế này gắn liền với vụ án hiếp dâm và giết hại bé gái Megan Kanka vào năm 1996. Kẻ phạm tội trước đó đã có hai tiền án xâm hại tình dục trẻ em và sống đối diện nhà nạn nhân nhưng không ai trong khu vực được cảnh sát thông báo về sự tồn tại của hắn. Cho rằng luật pháp còn thiếu sót, mẹ bé gái đã vận động hành lang để xây dựng hệ thống quản chế chặt chẽ hơn, buộc cảnh sát phải đăng tải công khai thông tin về những kẻ có tiền án trong khu vực.
Dựa vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm, người từng phạm tội sẽ được phân thành cấp I, II và III. Những người thuộc cấp I (cấp nhẹ nhất) sẽ phải báo cáo thông tin nơi ở của mình hàng năm trong vòng 15 năm liên tục, người thuộc cấp II phải báo cáo mỗi sáu tháng trong vòng 25 năm, người thuộc cấp III sẽ phải báo cáo mỗi ba tháng và kéo dài suốt đời. Người không tới trình báo sẽ bị coi là vi phạm quy định pháp luật hình sự và có thể bị phạt tù 1-4 năm và phạt tiền không quá 5.000 USD.
Dù luật liên bang quy định người phạm tội cấp độ I sẽ không bị công khai thông tin, với ngoại lệ là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhưng mỗi bang lại có quy định khác nhau. Ở một số bang, thông tin của người từng phạm tội ở mọi cấp đều phải được công khai và báo tới người dân thông qua hình thức đăng tải báo chí, tờ rơi, thư điện tử hoặc các trang mạng dữ liệu trực tuyến. Một số bang khác chỉ cho phép công khai thông tin của những kẻ có nguy cơ tái phạm cao (cấp II và III) và chỉ có lực lượng chấp pháp mới có thể tiếp cận danh sách đầy đủ.
Vùng cấm với tội phạm xâm hại tình dục
Ngoài việc bắt buộc người phạm tội đăng ký và khai báo thông tin với cơ quan địa phương, bắt đầu từ năm 2005, pháp luật của nhiều bang còn đề ra quy định hạn chế cư trú với người phạm tội.
Tùy vào quy định của mỗi bang, nơi ở hoặc làm việc của người có tiền án xâm hại tình dục sẽ không được sống trong khu vực cách 150-600 m quanh công viên, trường học, nhà thờ, bến xe bus, sân chơi trẻ em, phòng gym, bể bơi.
Bên cạnh hạn chế nơi cư trú và nơi làm việc, luật pháp của một số bang còn có quy định nặng hơn. Chẳng hạn ở Alabama không cho phép người có tiền án xâm hại tình dục vào vùng có bán kính 150m quanh những nơi có chức năng giáo dục hoặc giải trí cho trẻ em nếu không có lý do chính đáng.
Để đảm bảo thực thi những quy định cấm trên, các bang sử dụng hệ thống GPS để theo dõi vị trí của người phạm tội. Ở Alabama, California, và Florida đều ứng dụng hệ thống theo dõi thời gian thực để quan sát xem liệu người từng phạm tội có lại gần vùng bị cấm hay không.
Với nhiều địa điểm thuộc vào danh sách bị cấm như vậy, người có tiền án phạm tội xâm hại tình dục thường chỉ có thể sinh sống ở một số nơi nhất định với phạm vi cực kỳ hạn chế. Ví dụ, 97% số nhà trọ trong hạt San Diego, bang California nằm trong vùng cấm. Người dân địa phương còn cố ý xây dựng những công viên mini có diện tích chỉ to bằng vườn hoa để xua đuổi họ ra khỏi địa bàn.
Quốc Đạt