Ngày 7/10, ông Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đăk Nông cho biết, tính từ đầu năm đến nay, khoảng 3.000 cây thông bị chết do kẻ xấu phá hoại, tập trung chủ yếu ở huyện Đăk Song và Đăk G'long. Sở đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và đề nghị công an vào cuộc điều tra, xử lý.
Những ngày đầu tháng 10, dọc quốc lộ 14 đoạn qua xã Trường Xuân, xã Nâm N’jang, huyện Đăk Song, hàng trăm cây thông trên 20 năm tuổi bị đẽo vỏ, hóa chất màu trắng còn dính trên thân, mùi hôi nồng nặc.
Tại tiểu khu 1699 thuộc xã Trường Xuân, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Song phát hiện gần 400 cây thông bị đầu độc. Hiện trường thân có dấu khoan từ 3 đến 4 lỗ, sâu 6 - 8 cm, đường kính lỗ khoan khoảng 7 mm.
Đặc biệt, ở huyện Đăk G'long trong năm nay đã xảy ra 14 vụ phá rừng thông, số cây bị khoan, đổ hóa chất hơn 2.100 cây. Sự việc đã chuyển cơ quan điều tra xử lý một vụ, khắc phục hậu quả 6 vụ, đang điều tra 7 vụ.
Đơn vị đang quản lý 15 ha rừng thông, ông Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch UBND xã Đăk Ha thừa nhận tình trạng người dân triệt hạ rừng thông để lấn chiếm đất lâm nghiệp đang xảy ra. Do thủ đoạn tinh vi nên khó bắt quả tang. "Họ khoan lỗ nhỏ hoặc đẽo vỏ ở gốc, sau đó đổ thuốc khiến cây chết từ từ", ông Chiến nói.
Ông Nguyễn Quân Trường, Phó chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Nông cho rằng, hầu hết các vụ vi phạm ken cây, đổ hóa chất, hủy hoại rừng thông đều không bắt được kẻ vi phạm.
Nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thông dọc quốc lộ 14 và quốc lộ 28, Chi cục Kiểm lâm Đăk Nông đang rà soát, lập hồ sơ đối với diện tích rừng thông bị lấn chiếm, tái lấn chiếm; củng cố hồ sơ, xử lý và thu hồi diện tích trên để bàn giao cho chủ rừng có phương án, kế hoạch phục hồi.
Trần Hóa