Ngày 26/12, do hòa giải không thành, TAND TP HCM lần thứ 6 mở lại phiên xử Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng.
Mở đầu phiên tòa, HĐXX hỏi nguyên đơn về nội dung hòa giải của hai bên. Đại diện Vinasun cho biết, việc đề nghị dừng phiên tòa lần trước là từ bị đơn. Grab đưa ra đề nghị không đúng nên hòa giải không thành và "không muốn tiếp tục hòa giải".
Hồi cuối tháng trước, HĐXX tạm dừng phiên tòa để các bên có thời gian "ngồi lại với nhau", cùng đưa ra phương án giải quyết. Grab muốn đàm phán mua cổ phần của Vinasun với giá chênh lệch là 65 tỷ đồng nhưng bất thành. Bị đơn đề nghị tòa không đề cập vấn đề này vì cho là "liên quan đến bí mật kinh doanh", đề nghị giải quyết vụ kiện theo pháp luật.
"Chúng tôi rất mệt mỏi trong 17 tháng theo đuổi vụ kiện mà lỗi không phải do mình gây ra. Chúng tôi mong muốn Vinasun không tốn thời gian cho vụ kiện vô nghĩa này. Việc muốn mua cổ phần Vinasun được coi là một hoạt động đầu tư, chúng tôi kỳ vọng hợp tác cùng Vinasun và kết thúc vụ án một cách tốt đẹp", đại diện Grab trình bày.
Trong phần xét hỏi, các bên tiếp tục chất vấn nhau. VKS cũng hỏi các bên về nội dung liên quan đến số tiền thiệt hại Vinasun đưa ra cũng như mối quan hệ nhân quả giữa sự xuất hiện của Grab tại Việt.
Phía Grab nói thiệt hại của Vinasun không phải do công ty này gây ra. Họ đưa ra nhiều số liệu cho rằng doanh thu của Vinasun gồm nhiều nguồn, không chỉ kinh doanh vận tải mà còn bất động sản và tài chính, đề nghị Vinasun xác nhận. Tuy nhiên, đại diện Vinasun từ chối trả lời vì "không mới".
"Nếu Vinasun không thể trả lời câu hỏi của chúng tôi thì những vấn đề họ đặt ra là hoàn toàn ngụy biện và không có căn cứ để xem xét giải quyết", đại diện Grab nêu quan điểm. Không đồng ý, Vinasun cho rằng vấn đề này cả hai đã phân tích rất nhiều lần.
Giữ nguyên quan điểm như những phiên tòa trước, đại diện Vinasun đưa ra nhiều số liệu chứng minh thiệt hại của mình do Grab gián tiếp gây ra và con số thực tế lớn hơn yêu cầu bồi thường. "Chúng tôi kiện đòi gần 42 tỷ đồng với mục đích chính là làm rõ hành vi sai phạm của Grab Việt Nam, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn uy tín. Đây là lợi ích của đất nước, của quốc gia với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh", đại diện Vinasun nhấn mạnh.
Grab cho rằng mục đích Vinasun không phải vì tiền thì Grab hoàn toàn có thể đưa ra giải pháp có lợi hơn. "Dường như Vinasun cũng không biết họ muốn gì", đại diện Grab nói.
Sau khi các bên kết thúc phần tranh luận, HĐXX cho biết VKS sẽ phát biểu quan điểm về vụ án vào sáng 28/12.
Tháng 6 năm ngoái, Vinasun kiện Grab "vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT, gây náo loạn thị trường". Theo nguyên đơn, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải, nhưng thực tế hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi – lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Vinasun cho rằng hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.
Tòa nhiều lần đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó tạm ngưng do tính chất phức tạm của vụ án.
Hải Duyên