Từ ngày 1/8, lần đầu tiên mức xử phạt hành chính với vi phạm về quản lý điểm du lịch, khu du lịch sẽ được áp dụng, theo Nghị định 45/2019. Cụ thể, nếu không bảo đảm nhà vệ sinh công cộng theo quy định; không có hệ thống cung cấp nước sạch theo quy định; không có dịch vụ ăn uống hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; không đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường; không thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động du lịch..., đơn vị vi phạm sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.
Mức phạt 90-100 triệu đồng (quy định cũ 25-30 triệu đồng) sẽ áp dụng với các hành vi: kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng hoạt động; kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh; kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả để hoạt động kinh doanh...
Khách sạn nghỉ dưỡng hoặc khách sạn bên đường nếu không có nơi để xe cho khách, không có nơi đón tiếp hoặc nơi gửi đồ dùng cá nhân; không có phòng tắm cho khách... sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Mức này cũng áp dụng với việc không khách sạn không có tối thiểu 10 buồng ngủ; không có quầy lễ tân đối hoặc khu vực tiếp khách với biệt thự du lịch, căn hộ du lịch.
Theo Nghị định, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu từ chối thanh toán bằng thẻ ngân hàng với khách hàng; không có thực đơn theo quy định... Trường hợp, không thay khăn mặt hoặc khăn tắm khi có khách mới, mức phạt là 1-3 triệu đồng.
Nghị định áp dụng xử phạt với tổ chức, cá nhân người Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, thanh tra Văn hóa, Du lịch... được phép xử phạt các hành vi trên theo thẩm quyền.