Chiều 20/2, phiên tòa ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiếp tục với phần hỏi. Không khí khá căng thẳng khi hai bên đối đáp về quá trình xây dựng và góp vốn vào Trung Nguyên.
Bà Thảo cho rằng, gia đình ông Vũ rất nghèo, bà phải kiếm gửi xuống cho ông từng 500.000 đồng, ông "có duy nhất một điều là ý chí". Ông Vũ thừa nhận gia đình ông khó khăn là có thật rồi quay qua bà Thảo nói "20 năm nay có khi nào qua (tôi) đụng đến tiền. Cô phải đối diện với cái tâm của cô". Ông cho biết, khi bắt đầu khởi nghiệp đã phải đi vay mượn từng gói cà phê. Về sau cha mẹ ông phải bán hai căn nhà đưa tiền cho ông phát triển công ty.
Trả lời bà Thảo về việc chăm sóc và điều hành Trung Nguyên thế nào trong 5 năm tu trên núi, ông Vũ nói, công ty muốn đi xa phải có ý tưởng và mô hình mới. Việc ông lên núi là để tìm "phương pháp kinh doanh thiện lành".
Bà Thảo nhắc ông Vũ trả lời thẳng vào câu hỏi. Ông Vũ cho biết, từ trước tới giờ chuyện tiền bạc trong gia đình bà Thảo là người nắm giữ nên không thể nói ông chu cấp. Hai con lớn ở Australia đều có bạn của ông lo lắng. Còn hai con ở Việt Nam có người giúp việc. Bà Thảo tiếp tục lưu ý ông về việc chăm sóc chu cấp cho con thế nào. Ông Vũ đáp "nhà này đâu thiếu tiền", "tòa tuyên thế nào không quan trọng, lương tri của mình mới quan trọng".
Tiếp đó, luật sư Phan Trung Hoài hỏi thân chủ là bà Thảo "có thực sự muốn quay lại vị trí một người vợ đứng sau chồng" như những năm trước đây và chia sẻ trách nhiệm quản lý Trung Nguyên.
Vẻ mệt mỏi, bà Thảo cho biết luôn mong muốn có cơ hội hàn gắn. "Tôi đã hy sinh tất cả những gì mình có. Chúng ta ai rồi cũng chết, tất cả những gì có được cũng đều để lại cho các con. Hơn 3 năm qua tôi đã cố gắng rất nhiều để các con có đầy đủ cha mẹ", bà lạc giọng.
"Xuyên suốt bao năm qua đến giờ tôi vẫn mong muốn tiếp tục giữ vai trò cũ, quay về với Vũ, bỏ qua hết tranh chấp để gia đình trọn vẹn. Và lớn hơn là cùng nhau xây dựng Trung Nguyên không chỉ là thương hiệu quốc gia mà còn có vị trí trên thế giới", bà nói thêm.
Về lý do dẫn đến ly hôn, nữ doanh nhân cho biết, từ năm 2013 ông Vũ bắt đầu có nhiều thay đổi khiến bà và các con luôn có cảm giác bất an, gặp nguy hiểm. Nhân viên công ty cũng nhận thấy điều này từ ông Vũ.
Theo bà Thảo, lúc đó Trung Nguyên bắt đầu có dấu hiệu bị thâu tóm, sản nghiệp của gia đình dần dịch chuyển. Tài sản do vợ chồng bà tạo lập trong thời gian hôn nhân nhưng bỗng nhiên bà không còn quyền nắm giữ, không được tiếp cận sổ sách kế toán...
"5 năm anh ấy ở trên núi không còn quan tâm đến thứ gì. Tôi trở thành nạn nhân của rất nhiều vụ kiện kể cả ở thị trường nước ngoài. Tôi nghĩ anh Vũ không thể là người làm việc đó", bà Thảo nêu nghi vấn.
Luật sư Phan Trung Hoài cũng đặt nhiều câu hỏi với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, liên quan đến cuộc sống hôn nhân và việc điều hành công ty. Ông Vũ thừa nhận đến với bà Thảo bằng tình yêu rất đẹp và đã có 4 người con xinh xắn. Trong cuộc sống gia đình ông là người chịu đựng và luôn lùi lại phía sau trong mọi chuyện.
Ông Vũ khẳng định "chưa bao giờ sai" với bà Thảo, không ai muốn loại bà ra khỏi công ty "nhưng chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ" và "phải có trật tự". "Nếu tôi sống không phải thì em ruột, em dâu, em rể của cô ấy đâu có làm ở công ty", ông nói.
Khi luật sư đề cập đến việc người con trai lớn từ Australia về nước hôm qua và gửi cho ông lá thư thể hiện nguyện vọng các con muốn sở hữu 5% cổ phần công ty, ông Vũ tỏ ra bức xúc và không giữ được bình tĩnh. Ông cho rằng, các con ông chưa đủ hiểu biết về những việc như thế này, và cho đây là "ý đồ" của bà Thảo.
"Khi mấy đứa nhỏ về tôi nói không phải 5% hay bao nhiêu %. Bà nội các con đã 70 tuổi rồi. Ở đây không ai muốn tiền bạc hết. Ba cũng vậy. Chỉ có mẹ của các con là khác. Nói những điều phải không nghe, để bây giờ phải ra toà, bịa ra những điều như vậy", ông nói.
"Hãy để cho các con trưởng thành, đây chưa phải lúc. Bây giờ để cho các con 5% hay bao nhiêu cũng không có ý nghĩa gì", ông lớn tiếng và cho biết sẽ để lại cho các con tất cả khi chúng trưởng thành. Cái ông muốn cho các con là bệ phóng, ý chí luôn vượt lên và vươn tầm ra thế giới.
Trả lời luật sư về việc chỉ đồng ý chia cho bà Thảo 30% cổ phần, trong khi đó là tài sản lập được trong thời kỳ hôn nhân, ông Vũ nói: "Cái gì không phải của cô thì đừng có đòi. Trung Nguyên là linh hồn của tôi".
Luật sư của bà Thảo đưa ra nhiều tài liệu thể hiện Tập đoàn Trung Nguyên chịu nhiều tổn thất trong thời gian ông Vũ tu trên núi, trong đó có việc chi nhiều tiền để mua nhiều xe hơi. Ông Vũ cho rằng, tiền mua xe 500 tỷ hay 700 tỷ đồng thì tài sản vẫn còn đó.
Ông cũng nói nhiều về triết lý kinh doanh và khẳng định Trung Nguyên đã có 20 năm phát triển và đây là giai đoạn đầu tư chứ không phải giai đoạn khai thác.
Buổi sáng, cả hai cũng có nhiều ý kiến gay gắt khi trình bày yêu cầu tranh chấp tài sản chung.
Là nguyên đơn trong vụ kiện ly hôn, bà Thảo cho biết đã kết hôn với ông Vũ 20 năm trước. Do vợ chồng mâu thuẫn trong quan điểm sống, chăm sóc các con và điều hành công ty, mục đích hôn nhân không đạt được nên muốn ly hôn. Bà yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng các con và ông Vũ phải cấp dưỡng cho mỗi con 5% cổ phần của mình tại Trung Nguyên.
Theo bà Thảo, vốn điều lệ của Tập đoàn Trung Nguyên hiện là 2.500 tỷ đồng. Trong đó, ông Vũ đứng tên số cổ phần trị giá 500 tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ), bà sở hữu cổ phần trị giá 250 tỷ đồng (chiếm 10%). Bà đề nghị được chia đôi - tương đương 375 tỷ đồng (15%).
Trong đơn khởi kiện bổ sung, bà Thảo yêu cầu phân chia một số tài sản khác, trị giá khoảng 52,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị tài sản chung bà Thảo yêu cầu phân chia là khoảng 802 tỷ và chia đôi bằng cổ phần sở hữu tại Công ty Trung Nguyên và G7.
Ở giai đoạn toà giải quyết, ông Vũ không bình luận nhiều về vụ việc. Thông qua người đại diện, ông đề nghị được nuôi 4 con, không yêu cầu bà Thảo trợ cấp hằng tháng. Nếu tòa tuyên cho bà Thảo được quyền nuôi các con, ông chỉ đồng ý chia 5% cổ tức cho mỗi người.
Hải Duyên