Điều tra việc thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC), ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng ngày, nhà chức trách khởi tố, khám xét, tạm giam 4 cựu cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp này gồm: ông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng).
4 người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 165 Bộ luật hình sự.
Vụ án tiếp tục được mở rộng điều tra.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong năm 2007-2013, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ nhưng người đứng đầu PVC là ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát... Hậu quả, doanh nghiệp này mắc nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Dưới thời ông Thanh, PVC đã dành tới 86% vốn điều lệ rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty con, công ty liên kết và "mắc cạn" trong nợ nần. Lợi nhuận sau thuế 2012 của PVC âm 1.847 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 1.338 tỷ đồng. Cũng trong năm này, PetroVietnam đã phải chi trên 1.000 tỷ đồng để mua lại phần lớn số cổ phiếu phát hành thêm của PVC, giúp doanh nghiệp này thoát cảnh thâm hụt dòng tiền.
Sang năm 2013, PVC tiếp tục rơi vào vòng xoáy thua lỗ, mất cân đối dòng tiền, lỗ gần 2.230 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ gần 1.623 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2013, công ty mẹ lỗ hơn 3.850 tỷ đồng.
Ủy ban Kiểm tra chỉ ra, những vi phạm, thua lỗ nêu trên là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Với cương vị người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính.
Cuối tháng 8, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp điều tra vi phạm dẫn đến khoản lỗ khổng lồ trên.
Ông Thanh sau khi rời PVC ngập trong thua lỗ đã được luân chuyển nhiều chức vụ khác nhau ở Bộ Công Thương như Phó chánh văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ tại Đà Nẵng, Vụ trưởng... trước khi giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Hiện sau những lùm xùm bị phát hiện, ông Thanh bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội. Ngày 8/9, Ban Bí thư kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Thanh.
Hơn một tháng qua, ông Thanh xin nghỉ phép ra nước ngoài để trị bệnh gout, đã đến thời hạn đi làm nhưng chưa thấy trở lại nhiệm sở. Số điện thoại ông thường sử dụng, nhiều ngày qua lãnh đạo địa phương không liên lạc được.
Điều 165 Bộ luật Hình sự: tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm. |
Xuân Hoa