Ngày 8/5, Viện kiểm sát tỉnh Tây Ninh tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi), người bị bắt oan sai cách đây 40 năm tại UBND xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, nơi ông Dũng cư ngụ.
Theo hồ sơ, tối 26/7/1979, nhà máy xay lúa ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra vụ cướp 5 chỉ vàng. Từ tin báo của nạn nhân, công an vào cuộc điều tra, bắt giữ Dũng (khi đó 22 tuổi, là bộ đội tình nguyện chiến trường Campuchia về thăm nhà) cùng bảy người khác trong gia đình.
Họ bị khởi tố, truy tố tội Cướp tài sản riêng công dân theo Điều 6 Sắc luật 03 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Năm 1983, sau hơn 45 tháng bị tạm giam, cả tám ông bà được thả.
Tháng 1/2018, sau gần 40 năm bị bắt, ông Dũng được nhận quyết định đình chỉ điều tra và kiện đòi bồi thường oan sai. Tháng 11/2018, TAND Tây Ninh tuyên buộc VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường cho cựu binh này 615 triệu đồng.
Hồi tháng trước, 7 người còn lại cũng nhận được quyết định đình chỉ điều tra. Trong số này, ông Nguyễn Thành Nghị đã mất 6 năm trước.
Tại buổi xin lỗi, ông Nguyễn Văn Dựa, Viện phó Viện kiểm sát Tây Ninh khẳng định vụ án oan cách đây 40 năm là do thiếu sót trong quá trình thực thi pháp luật, sai sót của cơ quan tố tụng. Ông thừa nhận cơ quan tố tụng đã dùng nhục hình để buộc ông Dũng phải nhận tội, lập hồ sơ vụ án không khách quan.
Ông Dựa cho rằng nỗi đau của ông Dũng không chỉ trong 4 năm bị bắt giam, mà nó kéo dài, dai dẳng hơn 40 năm qua. Đó là nỗi đau về tinh thần, danh dự và nhân phẩm của ông Dũng và gia đình phải gánh chịu.
"Hôm nay tôi đứng đây tha thiết mong ông Dũng chấp nhận lời xin lỗi, tha thứ. Sự việc này do lịch sử để lại nhưng có lỗi phải xin lỗi, có sai phải sửa", Viện phó Viện kiểm sát Tây Ninh nói.
Đáp lời, ông Dũng cho biết khi vụ án xảy ra, trong mắt mọi người ông là một người đào ngũ, ăn cướp, nên cả gia đình trong đó cả vợ và con rất xấu hổ, tủi nhục, phải đi nhiều nơi làm thuê kiếm sống.
"Lời xin lỗi tuy có muộn màng nhưng tràn đầy ý nghĩa với cuộc đời tôi. Tôi là người lính, cựu quân nhân xin đón nhận", ông Dũng nói và mong cơ quan tố tụng sẽ lấy đây làm bài học xương máu cho việc thực thi pháp luật.
Ông Dũng cũng không quên cảm ơn ông Trịnh Quốc Anh, Viện phó Viện KSND tỉnh Tây Ninh vào năm 1983, người ký quyết định đình chỉ vụ án oan sai, minh oan cho ông và gia đình.
Phước Tuấn