Vụ án tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh giữa Công ty DWS Star Bridge Limited Liability (DWS, Hàn Quốc) với Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (100% vốn nhà nước) được TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm ngày 11/9.
Theo nội dung vụ án, tháng 3/2007, Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) và hai công ty của Hàn Quốc là P&D Korea (P&D) và Lucky Vietnam Construction (LVC) ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH quy hoạch và phát triển nhà Việt Nam – Hàn Quốc (Housing) để cùng thực hiện dự án khu nhà thương mại và chung cư The Mark. Dự án toạ lạc trên khu đất hơn 29.000 m2 gần Phú Mỹ Hưng, tổng vốn đầu tư 79 triệu USD. Hiện, giá trị khu đất chừng 3.000 tỷ đồng.
Quá trình hợp tác liên doanh, năm 2015, hai công ty Hàn Quốc bị tuyên bố phá sản. Một năm sau, Công ty DWS ký các hợp đồng nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của hai công ty này trong Housing do Quản tài viên nhân danh, theo chỉ định của tòa án Hàn Quốc.
Từ hợp đồng này, DWS liên hệ với Housing làm thủ tục thay đổi thành viên, người đại diện theo pháp luật cho công ty. Ngày 21/4/2016, Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi lần 2) cho công ty Housing. Công ty này chỉ còn 2 thành viên là HDTC và DWS.
Không đồng ý, Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà khởi kiện, yêu cầu toà không công nhận hiệu lực của hợp đồng giữa DWS và hai công ty đồng hương; đồng thời hủy giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký doanh nghiệp mới (liên quan đến công ty DWS). Nguyên đơn cũng đề nghị toà tuyên cho mình được quyền quản lý công ty Housing, phần vốn góp của công ty P&D và LVC trong khi chưa có người kế thừa.
Hồi tháng 10 năm ngoái, TAND TPHCM xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không công nhận hợp đồng giữa DWS và 2 công ty Hàn Quốc bởi 2 công ty này đã bị toà án Hàn Quốc tuyên bố phá sản nên không còn năng lực pháp luật để tham gia vào các giao dịch khác.
Phản đối phán quyết, Công ty DWS kháng cáo. VKSND Cấp cao tại TP HCM sau đó cũng kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án xử lại. Theo Viện, việc cấp sơ thẩm không công nhận DWS là người thừa kế của hai công ty đồng hương là không có căn cứ bởi DWS thực chất là chủ nợ của P&D và LVC nên có quyền kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự.
Tại tòa lần này, đại diện Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà cho rằng giao dịch giữa Công ty DWS với hai đối tác đồng hương là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp nên đề nghị tòa y án sơ thẩm.
Đại diện bị đơn khẳng định, Công ty P&D và LVC đang nợ DWS nên họ có quyền thực hiện nghĩa vụ thu hồi nợ. Việc thực hiện giao dịch này được Hội đồng quản trị công ty thông qua nên là hợp pháp. Hơn nữa, nguyên đơn không cung cấp bổ sung được chứng cứ chứng minh Công ty P&D và LVC phá sản theo yêu cầu của tòa án.
Ngoài ra, phía bị đơn cũng cho rằng tòa sơ thẩm có hàng loạt vi phạm tố tụng như: xác định sai địa chỉ bị đơn, xác định thiếu người tham gia tố tụng, không ủy thác tư pháp... Từ đó, họ đề nghị tòa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, TAND Cấp cao bác kháng cáo của công ty DWS và kháng nghị của VKS, giữ nguyên phán quyết sơ thẩm.
Theo HĐXX, Luật Doanh nghiệp quy định, việc chuyển nhượng vốn góp của thành viên trong công ty phải thực hiện theo hình thức chào bán cho thành viên còn lại trong thời hạn nhất định, hoặc chào bán cho người khác không phải là thành viên nếu thành viên còn lại không mua. Tuy nhiên, theo tài liệu do các đương sự cung cấp, P&D và LVC đã làm thủ tục phá sản tại Hàn Quốc và tháng 3/2016, Quản tài viên được tòa án Hàn Quốc chỉ định đã nhân danh P&D và LVC ký các hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của P&D và LVC cho DWS.
Theo tòa, P&D và LVC chuyển nhượng vốn góp nhưng không có văn bản yêu cầu Công ty Housing mua lại vốn góp và cũng không chào bán cho thành viên còn lại là HDTC là vi phạm điều lệ công ty, vi phạm Luật Doanh nghiệp - tức hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa của P&D và LVC cho DWS vô hiệu.
Phía bị đơn cho biết sẽ đề nghị xem xét huỷ bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm.
Uyên Trinh – Hải Duyên