Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ (TP HCM), chiều tối 11/6, trong buổi làm việc với Công an Hải Dương về thiệt hại trong vụ bắt giữ gần 2 tấn bạch tuộc dẫn đến hư hỏng, 44 ngư dân huyện Cần Giờ (chủ lô hàng) đã yêu cầu bồi thường tổng cộng 775 triệu đồng. Cụ thể, sau khi trừ bao bì, lô hàng được xác định còn hơn 1,8 tấn, đơn giá đã cộng phí vận chuyển là 400.000 đồng mỗi kg, tính theo thời điểm thu mua ngày 27/5.
Công an Hải Dương cho rằng giá 400.000 đồng là quá cao và đề nghị giảm bớt. Sau khi thương thảo, các ngư dân Cần Giờ chấp nhận không đòi bồi thường chi phí vé máy bay 10 người khi ra Hải Dương khiếu nại, đồng thời giảm thêm 10% số tiền trên đơn giá. Do đó, tổng mức bồi thường được chốt lại là 650 triệu đồng. Số tiền đã được Công an Hải Dương chuyển cho đại diện chủ hàng.
Chiếc tải chở bạch tuộc. |
Đại tá Cao Ngọc Lan (Phó giám đốc Công an Hải Dương) cho biết, tiếp xúc với người khai thác bạch tuộc tại Cần Giờ mới thấy sự cực nhọc để có sản phẩm mang đi tiêu thụ nên đã xin ý kiến Ban giám đốc bồi thường "nóng" ngay.
Đại diện các chủ hàng tại Cần Giờ đánh giá cao sự thẳng thắn nhận trách nhiệm của Công an Hải Dương. “Dân cũng xác định đây là tai nạn nghề nghiệp của cơ quan chức năng, cả hai bên đều không muốn xảy ra việc này. Tôi mong rằng không bao giờ có chuyện tương tự", người đại diện nói.
Trước đó, 22h ngày 27/5, Nguyễn Quang Hưng lái xe tải chở bạch tuộc từ sân bay Nội Bài về Móng Cái (Quảng Ninh). Đến thị xã Chí Linh, Hải Dương, số hàng trên bị cảnh sát địa phương bắt giữ với lý do xuất xứ không rõ ràng, không có giấy kiểm dịch. Tài xế Hưng cho biết đã đề nghị giải phóng hàng để bảo quản song không được chấp nhận. Lô hàng bạch tuộc sau đó đã bị hỏng.
Chiều 28/5, hơn 40 chủ hàng là các nông dân tại Cần Giờ yêu cầu Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương bồi thường thiệt hại gần một tỷ đồng vì cho rằng hàng bị bắt giữ trái quy định. Những người này cho biết bạch thuộc được họ khai thác tự nhiên tại TP HCM, không nằm trong danh mục hàng hóa phải kiểm dịch.
Chiều 9/6, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang yêu cầu Giám đốc Công an Hải Dương báo cáo toàn bộ quá trình giải quyết vụ bắt giữ xe chở bạch tuộc gây bức xúc cho các chủ hàng.
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc) cho biết theo Điều 619 Bộ luật Dân sự, cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Việc xác định mức hoàn trả được quy định tại Điều 16 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Nếu xác định lỗi vô ý, cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn tối đa không quá 3 tháng lương.
Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng của người thi hành công vụ, tối thiểu không dưới 10% và tối đa không quá 30% thu nhập từ tiền lương hàng tháng.
Ngoài việc phải hoàn trả tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thi hành công vụ còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nam Anh - Hải Anh