Cuối tuần qua, TAND Hà Tĩnh mở phiên phúc thẩm vụ án tranh chấp tài sản sau khi ly hôn giữa những người có quyền và nghĩa vụ liên quan gồm: chị Đỗ (30 tuổi), anh Quyết (34 tuổi, chồng cũ) và ông Cương (bố chồng cũ).
Theo bản án, chị Đỗ và anh Quyết sau 4 năm chung sống nảy sinh nhiều bất đồng do không có con. Giữa năm 2012, người đàn bà 4 lần sảy thai đồng ý ký đơn ly hôn để "giải phóng" cho chồng.
Tại phiên xử sơ thẩm mở tháng 5/2013, TAND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đồng ý cho vợ chồng chị Đỗ ly hôn. Chiếc ôtô 4 chỗ trị giá hơn 400 triệu đồng do người chồng đứng tên, tòa tuyên thuộc về anh.
Không đồng ý việc chiếc xe không được "cưa đôi", chị Đỗ chống án. Chị cho rằng khi mua xe, ngoài tiền của gia đình chồng, bố mẹ chị cũng đóng góp 100 triệu đồng, vợ chồng gom góp được hơn 100 triệu đồng. Do vậy tuyên như thế là không công bằng.
Sau phiên xử sơ thẩm lần hai vào tháng 11/2015, tòa cho rằng 200 triệu đồng góp mua xe của ông Cương là có căn cứ, do đó tài sản này thuộc về ông. Là người góp công sức mua xe, anh Quyết được chia 50 triệu, gia đình ông Cương phải đưa lại cho chị Đỗ 30 triệu đồng.
Tại phiên xử phúc thẩm sáng 4/3, chị Đỗ có đơn xin vắng mặt. Đại diện nguyên đơn chỉ có hai người, trong khi đó phía gia đình anh Quyết đi khá đầy đủ, có mời một số người làm chứng về việc chứng minh số tiền mua xe là của ông Cương.
Được phép trình bày đầu, anh Quyết nói rằng bản án mà tòa cấp huyện tuyên ở phiên sơ thẩm là vô lý, bởi ôtô là sở hữu của anh, nhưng vẫn phải chia cho vợ cũ 30 triệu đồng.
Anh Quyết cho rằng việc chị Đỗ nêu trong đơn về quá trình vợ chồng còn hạnh phúc có tích góp được 125 triệu đồng để dồn vào mua ôtô là không có cơ sở. Bởi anh là cán bộ của một đài truyền thanh, lương 4 năm (từ 2008-2012) chỉ tiết kiệm được 45 triệu đồng, trong khi đó chị Đỗ là kế toán hợp đồng, lương thấp, hai người không thể dành dụm được số tiền lớn như thế.
Được tòa hỏi về việc bố mẹ chị Đỗ có cho 100 triệu để góp mua xe có đúng không, anh Quyết khẳng định không hề hay biết vì chưa lần nào thấy vợ cũ đưa tiền về. "Khi mua xe, không có sự bàn bạc gì giữa 3 người. Bố tôi mua xe nhưng không lái được nên bàn giao và để hóa đơn chứng tờ đứng tên tôi. Khi tôi đi hết xăng, tôi đổ rồi về bố sẽ thanh toán lại", anh Quyết nói.
Vẫn với luận cứ chứng minh quan điểm chiếc xe là sở hữu của mình, ông Cương đứng dậy trình bày rằng ngày chưa ly hôn, hai vợ chồng con trai sống phụ thuộc bố mẹ vì thu nhập thấp. Khi chị Đỗ 4 lần sinh nở bất thành, hoạn nạn đó gia đình ông gánh chịu, do đó những chi phí tiền nong đi chữa bệnh cũng tốn rất nhiều.
"Số tiền mua xe tất cả là do tôi bỏ ra. Tôi là cán bộ nhà nước lâu năm, trong quá trình làm ăn tích góp, chăn nuôi… cũng dành dụm được vài trăm triệu, sau đó vay thêm một số anh em, họ hàng nữa nên đủ mua xe. Mua xong tôi không lái được, nên đứng tên con trai là phù hợp", ông Cương nói.
Khi được đại diện Viện kiểm sát hỏi rằng tại sao xe của mình nhưng không đứng tên mà lại để cho người khác, ông Cương đáp rằng trong luật dân sự có quyền chiếm hữu, sở hữu và định đoạt, tức là mỗi công dân có quyền cam kết ủy quyền cho một người khác sở hữu.
Đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm, xe hình thành trong thời gian chị Đỗ và anh Quyết đang còn hạnh phúc, nên có nhiều mối quan hệ cần lưu tâm. Hơn nữa, hợp đồng mua xe của ông Cương có sự nhập nhằng, khi xe mua tại Vinh (Nghệ An) nhưng thanh toán thì lại là ở Nam Định.
Công tố viên đề nghị xác định ôtô là tài sản chung của vợ chồng anh Quyết, anh này là người sở hữu, nhưng phải chia cho ông Cương hơn 100 triệu đồng, chị Đỗ hơn 70 triệu đồng.
Tại phần tuyên án, tòa xét thấy nguồn gốc số tiền mua ôtô thông qua các bản tờ khai của chị Đỗ cho thấy sự mâu thuẫn, lời khai của bố mẹ chị về việc chứng minh cho con gái tiền cũng không đồng nhất. Về số tiền tích góp mua xe của ông Cương, tòa cho rằng là phù hợp và thống nhất mặc dù hồ sơ mua xe có sự nhập nhằng, nhưng hai bên mua bán đã có văn bản xác định.
HĐXX xác định ôtô là tài sản của ông Cương. Vợ chồng anh Quyết và chị Đỗ có công sức đóng góp, nên không chấp nhận nội dung kháng cáo của chị Đỗ, giữ nguyên án sơ thẩm, gia đình ông Cương chỉ phải trả lại cho con dâu cũ 30 triệu đồng tiền công sức đóng góp.
Trò chuyện với VnExpress, chị Đỗ cho biết lý do vắng mặt trong phiên xử này là sắp sinh thêm con thứ hai, sợ ảnh hưởng sức khỏe nên không tới dự. Về kết quả tòa tuyên, chị chia sẻ không đồng tình, tuy nhiên cũng sẽ không kiến nghị nữa và sẽ "cho qua".
Chị lý giải rằng mình suy nghĩ đơn giản, ngày kết hôn được bố mẹ chồng cho một vài chỉ vàng, đến khi ly hôn, chị cũng mang vàng bạc trả lại. Về số tiền bố mẹ đẻ cho để góp mua ôtô, tuy không có giấy tờ chứng minh, nhưng chị cũng tưởng rằng phía nhà chồng sẽ đưa lại cho con dâu cũ.
"Họ nói rằng tôi sống ăn bám, nhưng không phải thế, trước khi lấy chồng tôi cũng đã đi làm, tự nuôi được bản thân, bố mẹ cũng cho nhiều vốn. Vấn đề tôi muốn theo đuổi là vì danh dự của bản thân, tiền không phải là tất cả", chị Đỗ nói và cho hay chỉ tâm niệm rằng mình trả cho họ những gì không thuộc về mình thì đối phương cũng sẽ làm tương tự, không nghĩ tới việc phía gia đình chồng cũ đã chuẩn bị sẵn một "kịch bản" hoàn hảo để giành phần thắng về họ.
Từ ngày chia tay, cả anh Quyết và chị Đỗ đều "đi thêm một bước nữa". May mắn mỉm cười khi chị Đỗ sinh được con trai hơn một tuổi và chuẩn bị đón đứa thứ hai. Anh Quyết cũng có một con gái. |
Đức Hùng