Việc thực nghiệm lại quá trình sục rửa hai hệ thống xử lý nước RO1 và RO2 trong chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình được tiến sĩ Lê Thanh Hải (Viện trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) và đại diện nhóm các nhà khoa học trình bày trong ngày 5/8.
Hệ thống RO1 được Viện trang thiết bị và Công trình y tế mượn từ đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Hệ thống RO2 và những thiết bị khác được các nhà khoa học đã tập hợp từ nhiều nơi. Dựa vào sơ đồ hệ thống xử lý nước do Viện vẽ lại, một nhóm các nhà khoa học dựng lại toàn bộ hệ thống chạy thận với hai hệ thống xử lý nước.
Ông Hải cho biết, theo kết luận giám định của cơ quan điều tra, ba van nước của hệ thống lọc nước RO1 bị hỏng. Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định "đây là một sự cố hy hữu" khi ba van của hệ thống RO1 bị hỏng trên cùng một đường nối tắt.
Hệ thống RO1 cung cấp nước rửa quả lọc có ba van bị hỏng, trong khi đó hệ thống RO2 cung cấp nước đã qua xử lý cho chạy thận. Hai hệ thống này cùng chung một bình làm sạch nước rửa quả lọc và chạy thận. Tuy nhiên, do ba van của RO1 hỏng nên nước sinh hoạt chưa đạt chuẩn cho chạy thận nhân tạo đã rò rỉ và tự chảy vào bồn chứa nước tinh khiết RO2, làm ô nhiễm bồn nước.
Nguồn nước này chứa các hóa chất như Javen và nhiều chất bong trôi trong các cột lọc đầu của hệ thống RO1. Như vậy, người bệnh đã bị chạy thận bằng nguồn nước ô nhiễm đa hóa chất. "Viện Khoa học hình sự đã tìm thấy ba van nước bị hỏng như đã nêu trên nhưng cơ quan điều tra lại bỏ qua chi tiết quan trọng này dẫn đến nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân bị sai lệch", ông Hải nói.
Sáng nay, dựa vào kết luận điều tra, cáo trạng và lời khai của bị cáo Bùi Mạnh Quốc (người trực tiếp sửa chữa) tại phiên tòa, ông Hải thực hiện lại các hành động như Quốc đã làm khi sửa chữa hệ thống RO số 2. Ông dùng ba gói thuốc tím thay cho Javen để tiệt trùng đường ống. Do hệ thống RO1 hỏng ba van nên nguồn nước ô nhiễm đã nối thẳng từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO và dẫn vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo.
"Qua vận hành hệ thống lọc nước được dựng lại, chúng tôi xác định các bệnh nhân tử vong do ô nhiễm đa hóa chất chứ không phải do tồn dư hoá chất HF như cáo buộc", ông Hải nói.
Trả lời câu hỏi vì sao bây giờ mới công bố nguyên nhân, ông Hải nói vì trước kia Bộ Y tế không được tiếp cận hồ sơ vụ án. "Khi có được những chứng cứ mới, chúng tôi đã trình bày tại phiên toà phúc thẩm nhưng HĐXX cho rằng lý giải trên không có căn cứ khoa học. Chúng tôi không thể làm thay việc của cơ quan điều tra mà chỉ thực nghiệm khoa học để chứng minh nguyên nhân bệnh nhân tử vong không như cáo buộc. Từ đó giúp ngành y tế quản lý tốt rủi ro", ông trình bày.
Có mặt trong buổi thực nghiệm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết đây là một tình tiết hoàn toàn mới nên rất mong ngành tư pháp và các nhà khoa học cùng chính thức dựng lại hiện trường. Từ đó tìm ra chính xác nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa tại Bệnh viện Hòa Bình khiến 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong.
"Tôi mong có một phiên giám đốc thẩm để từ đó vấn đề chuyên môn được quan tâm hơn. Nếu nguyên nhân tử vong không được rõ ràng, tôi e sẽ thành án lệ không tốt", ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế) cho biết, những tình tiết trên đã được Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng và sẽ nêu tại bản kiến nghị gửi tới VKSND Tối cao và TAND Tối cao trong tuần này.
Theo ông Quang, Bộ Y tế dự kiến kiến nghị về kết luận của các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình, cho rằng trái với bản chất khoa học của vụ án mà các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra. Bởi trong kết luận điều tra, cáo trạng và cả hai bản án đều khẳng định nguyên nhân tử vong là do ngộ độc florua và tồn dư HF nhưng các nhà khoa học đã minh chứng là do ô nhiễm đa hóa chất.
Ngoài ra, cơ quan điều tra đã phá dỡ toàn bộ hệ thống RO1 và RO2 khi chưa thực nghiệm hiện trường nên làm mất đi vật chứng quan trọng của vụ án. Cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình cũng bỏ qua kết luận chuyên môn của các nhà khoa học dẫn đến làm sai lệch bản chất của vụ án.
Trả lời về quan điểm trên của Bộ Y tế, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Phạm Hồng Tuyến trong chiều 5/8 cho biết vụ việc đã được Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng. Vụ án đã xét xử hai cấp theo đúng quy định pháp luật.
"Tìm nguyên nhân, phục dựng hiện trường là việc của Bộ Y tế. Cơ quan điều tra đã có kết luận và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về những kết luận của mình", ông Tuyến nói.
Vụ án xảy ra vào sáng 29/5/2017 khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.
Tại phiên phúc thẩm mở cuối tháng 6, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên phạt Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ) án 30 tháng tù về tội Vô ý làm chết người. Ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc) mỗi người 30 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thiên Sơn) 24 tháng tù treo.
Bị cáo Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng vật tư) và Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc Công ty Trâm Anh) không kháng cáo, chấp nhận án phạt 42 và 54 tháng tù.