Người đàn ông 53 tuổi dáng nhỏ thó, áo quần ngả màu, gương mặt khắc khổ, buồn rầu ngồi co ro trong căn nhà cấp bốn ở thị trấn Tân Thạnh. Ông là Phạm Văn Đồng, người đốn chuối trúng số độc đắc 4,6 tỷ đồng gây xôn xao quê nghèo hồi tháng 5/2016.
Ông Đồng dân gốc Đồng Tháp Mười, sống với vợ được bốn người con, nhưng ly hôn hơn 10 năm. Ba đứa con đầu ở với mẹ. Ông cùng đứa con trai út ở riêng, do quá nghèo nên được nhà nước cất cho căn nhà tình thương. Hàng ngày, ông hái rau, đốn chuối bán sống qua ngày.
"Sáng hôm đó, nhà hết gạo nên tôi đạp xe đi đốn chuối bán được 50 nghìn, khát quá vô quán gọi nước uống hết 10 nghìn. Thấy bàn kế bên có người bán vé số mời nhưng bị khách mắng, ném bốn tờ vé xuống đất nên tôi mủi lòng mua giúp", ông Đồng nhớ lại.
Chiều hôm đó, sau khi biết mình trúng số, ông vui quá, nhưng không biết cách đổi thưởng thế nào nên cầm sang nhờ người em giúp. Dọc đường ông gặp người con rể, anh này bảo ông đưa xem rồi giữ luôn không trả, mang về đưa cho vợ.
Hai vợ chồng anh này cùng với cô con gái khác của ông Đồng sau đó đổi vé số trúng rồi chia cho bốn anh em, họ hàng, mua nhà, đất, vàng, ôtô... Số tiền còn lại một tỷ đồng, người con gái thứ 28 tuổi của ông đứng tên đem gửi ngân hàng.
"Đổi vé xong, các con có mua cho tôi căn nhà cấp bốn cùng đồ nội thất. Thời gian đầu các con có chu cấp tiền mỗi tháng, nhưng dần về sau thì chúng bỏ mặc tôi. Khi tôi yêu cầu chu cấp mỗi tháng sáu triệu đồng để tôi có tiền chăm sóc cho thằng con út bị bệnh giảm trí nhớ thì tụi nó không đưa. Nhà sắm ôtô nhưng tôi bệnh chúng thà chở khách chứ không chở cha đi viện", ông buồn rầu nói.
Trong khi đó, người con gái giữ số tiền một tỷ đồng thì bảo lỗi là do ông Đồng. "Do cha nghe lời người khác xúi đi kiện, chứ anh chị em chúng tôi vẫn lo cho cha, đâu bỏ mặc như ông nói. Không chu cấp tiền nhiều vì sợ cha đi đánh bài thua hết", chị trần tình.
Cuối tháng 8, TAND huyện Tân Thạnh (Long An) xử sơ thẩm vụ án đòi lại tiền trúng số độc đắc giữa nguyên đơn là ông Đồng với bị đơn là con gái thứ.
Ngày tòa xử, ông Đồng ủy quyền cho người khác dự thay, rồi quay về căn nhà cũ thắp hương ngồi chờ kết quả. Ông bảo giận nhưng không đành lòng nhìn mặt con ở tòa với tư cách người bị kiện.
Tại tòa, cô con gái thừa nhận giữ tiền trúng số của cha, nhưng do ông Đồng tặng nên không đồng ý trả lại. Số tiền còn lại một tỷ đồng, chị đã gửi tiết kiệm thời hạn một năm, có dự thưởng, không được rút trước thời hạn. Do cần tiền tiêu xài nên chị đã thế chấp sổ tiết kiệm và vay ngân hàng một tỷ đồng.
Phía ngân hàng (tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cũng có yêu cầu khách hàng phải trả lại một tỷ đồng tiền vay cùng gần 50 triệu đồng tiền lãi. Ngân hàng còn yêu cầu tòa hủy quyết định phong tỏa sổ tiết kiệm để họ thu hồi khoản vay của khách.
Tòa nhận định người con gái không chứng minh được việc ông Đồng cho, tặng tiền trúng số nên tuyên buộc bị đơn phải trả lại cho cha mình một tỷ đồng. Ngoài ra, tòa cũng tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của phía ngân hàng.
Ông Đồng kháng cáo, vì cho rằng bản án ưu tiên cho ngân hàng, và ông khó đòi lại được tiền từ con gái. "Con tôi đã cố tình dùng chiêu trò tẩu tán tài sản trước khi có quyết định phong tỏa của tòa", ông nhận định.
Sau phiên tòa, nhà ông Đồng và nhà con gái chỉ cách hơn một cây số, nhưng cha con ít qua lại. Ngoài căn nhà cấp bốn mua từ tiền trúng số, bộ salon gỗ cùng vài đồ nội thất xuềnh xoàng, nhìn người đàn ông nhỏ bé, da ngâm đen với đôi mắt u buồn ngồi hàng giờ trước hiên nhà, ít ai biết được chỉ vài tháng trước đó là một tỷ phú.
Mỗi ngày, ông vẫn trở lại căn nhà nhỏ có mảnh vườn để cắt rau, đốn chuối mua gạo, mắm muối, như những ngày trước đây vì các con ngưng chu cấp.
"Nếu quay ngược thời gian được, tôi ước gì mình đừng bao giờ trúng số. Tiền bạc nó làm tình nghĩa con người rạn nứt, đổ vỡ. Cứ sống nghèo khó như ngày xưa mà vui thì tốt hơn", ông Đồng cay đắng nói.
Hoàng Nam