Ngày 2/1, trong bản cáo trạng công bố suốt gần 6 tiếng, VKSND Hà Nội xác định Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") đã lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý do ông Trần Văn Minh (Chủ tịch UBND Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) ký ban hành để thâu tóm thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Cuối năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định thu hồi, quản lý toàn bộ nhà, đất 90 m2 tại số 100 Bạch Đằng (quận Hải Châu) đang do Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng sử dụng để giao cho Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng quản lý.
Bị cáo Phan Ngọc Thạch (tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng) xin chính quyền Đà Nẵng xem xét ưu tiên cho công ty mua lại nhà đất này. Tuy nhiên, Đà Nẵng có văn bản trả lời đang kiểm tra, xem xét lại quy hoạch chung tuyến đường Bạch Đằng nên chưa xem xét giải quyết.
Trong lúc này, Vũ chủ động gặp ông Thạch và nói Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng không thể có cơ hội mua được nhà, đất số 100 Bạch Đằng. Nếu công ty đứng ra làm thủ tục xin mua nhà, đất trên, Vũ sẽ giúp nhưng mua xong phải chuyển nhượng lại. Vũ sẽ trả toàn bộ số tiền mua nhà, đất theo giá phê duyệt của UBND Đà Nẵng và trả thêm một tỷ đồng cho Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng để hỗ trợ di dời và bồi thường sửa chữa tài sản.
Ông Thạch khai, biết Vũ có mối quan hệ với lãnh đạo UBND Đà Nẵng nên đã đồng ý, làm theo hướng dẫn. Mảnh đất này sau đó từng bước rơi vào tay của Vũ không thông qua đấu giá, mà còn được Đà Nẵng giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% tiền sử dụng đất.
Nhà chức trách xác định, giá trị quyền sử dụng đất số 100 Bạch Đằng tại thời điểm khởi tố vụ án (ngày 17/4/2018) là 26,8 tỷ đồng, song Vũ "Nhôm" mua chỉ gần 2 tỷ đồng. Nhà nước đã bị thiệt hại 25 tỷ đồng.
Cách thức áp dụng với khu đất này cũng được Vũ áp dụng với 4 nhà, đất công sản khác là khu đất 37 Pasteur, 34 Hoàng Văn Thụ, 106 Trần Phú, 20 Bạch Đằng qua việc thỏa thuận với các bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (cựu tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng), Trần Phi (cựu tổng giám đốc Công ty XNK Đà Nẵng) và Lê Anh Tuấn (cựu tổng giám đốc Công ty Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng). Đây là các công ty được ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (Chủ tịch Đà Nẵng giai đoạn 2011-2016) phê duyệt chủ trương cho mua chỉ định nhà, đất công sản đang được cho thuê làm trụ sở.
Bốn người đã bàn bạc, thỏa thuận với Vũ để đứng tên xin mua chỉ định nhà, đất công sản, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% tiền sử dụng đất. Sau đó, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các nhà, đất công sản, các bị can có tên trên đã ký văn bản đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất để giúp cho Vũ đứng tên. Từ đó, tạo điều kiện cho Vũ trục lợi gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, ở nhà, đất số 37 Pasteur, nhà nước bị thiệt hại hơn 112 tỷ đồng. Dự án này Lộc đã giúp sức cho Vũ mua với giá gần 17 tỷ đồng, trong khi giá trị thực của bất động sản tính ở thời điểm khởi tố vụ án là 127 tỷ đồng.
Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc khai Vũ biết được chủ trương của Đà Nẵng trong việc bán nhà, đất công sản trên cho Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng (đơn vị đang thuê theo quy định). Hai bên thoả thuận, Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng đứng ra làm các thủ tục để được UBND thành phố phê duyệt bán nhà, đất số 37 Pasteur, giảm 10% tiền sử dụng đất; giảm hệ số sinh lợi và chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho Vũ. Toàn bộ số tiền phải nộp mua nhà, đất theo giá phê duyệt sẽ do Vũ nộp. Đổi lại Vũ sẽ trả tiền "hoa hồng" cho Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng bằng một nửa số tiền trong việc được xét giảm 10% tiền sử dụng đất.
Do được Vũ hứa chi tiền hoa hồng và biết Vũ có mối quan hệ với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lộc đã đồng ý. Hai bên còn ký hợp đồng về việc này.
Lộc giúp Vũ xin giảm hệ số sinh lời khiến ban đầu nhà, đất này có giá hơn 19 tỷ đồng, khi Vũ mua chỉ còn gần 17 tỷ đồng. Giữ lời hứa, Vũ chuyển khoản trả cho công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng hơn một tỷ đồng. Còn nhà, đất này Vũ bán lại cho chị gái và bị cơ quan điều tra cho là một hình thức tẩu tán tài sản.
Ba khu nhà, đất là 34 Hoàng Văn Thụ, 106 Trần Phú, 20 Bạch Đằng cũng về tay Vũ theo cách này, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 400 tỷ đồng.
Lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong của tình báo công an
Trước năm 2008, khu đất 3.264 m2 trên đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà được Đà Nẵng quy hoạch làm Khu công viên An Đồn nhưng chưa thi công, xây dựng.
Ngày 18/9/2008, Đà Nẵng ra quyết định thu hồi, giao cho Công ty Vật liệu xây dựng xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng quản lý. Thời điểm đó, khu đất được đề xuất bán đấu giá với mức khởi điểm hơn 5,5 triệu đồng một m2.
Do chỉ có một hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, Đà Nẵng đã tạm dừng việc đấu giá và giao cho Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng quản lý. Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng sau đó xin được bàn giao đất để bán đấu giá xây dựng Bệnh viện Ung thư. Chính quyền Đà Nẵng đồng ý.
Tại thời điểm này, Vũ được Bộ Công an đồng ý cho sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 là Công ty bình phong thuộc Tổng Cục 5 Bộ Công an (Tổng cục Tình báo). Vũ là tình báo viên.
Ngày 20/11/2009, Vũ đã lấy danh nghĩa công ty bình phong xin nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất trên và ủng hộ cho Bệnh viện U bướu thành phố 500 triệu đồng với lý do để phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an. Sau đó, từng bước, khu đất này rơi vào tay Vũ. Cáo trạng xác định, hành vi thâu tóm của Vũ đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 150 tỷ đồng.
Với 15.577 m2 đất khu du lịch ven biển Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước ở đường Trường Sa, Vũ cũng áp dụng cách tương tự để thâu tóm.
Lập hàng loạt công ty để nhận chuyển nhượng đất công
Dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và An Cư 3 mở rộng, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, diện tích hơn 13.000 m2 bị Vũ thâu tóm cũng bằng phương thức này.
Năm 2006, Vũ biết UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và Khu dân cư An Cư 3 mở rộng và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng các lô đất ven đường Sơn Trà - Điện Ngọc từ 8.400.000 đến 11.440.000 đồng mỗi m2.
Để có tư cách pháp nhân liên hệ với UBND thành phố Đà Nẵng, tháng 5/2007, Phan Văn Anh Vũ lập Công ty TNHH Minh Hưng Phát. Vũ chỉ đạo Nguyễn Quang Thành (em vợ) và Lê Viết Bảo Duy (lái xe thuê) đứng tên góp vốn và đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng các công trình dân dụng, mua bán nhà và dịch vụ chuyển quyền sử dụng đất. Vũ giao cho Nguyễn Quang Thành làm giám đốc song toàn bộ hoạt động kinh doanh đều trực tiếp chỉ đạo, điều hành.
Cuối tháng 5/2007, công ty này xin mua khu đất nêu trên. Năm 2009, Vũ được UBND quận Sơn Trà cấp 22 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tổng diện tích hơn 13.000 m2 thuộc dự án Khu An Cư 2 mở rộng và Khu dân cư An Cư 3 mở rộng. Sau khi có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Vũ đã bán chuyển nhượng toàn bộ 22 lô đất nói trên cho các cá nhân khác.
Theo cáo trạng, trong các vụ thâu tóm 21 bất động sản của Vũ, hai cựu chủ tịch Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến đã tiếp tay cho sai phạm bằng các văn bản trái luật khi đương chức.
Ở vụ án này, Vũ bị cáo buộc phạm vào các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3 điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015. Vũ phải chịu trách nhiệm chính và cùng 20 bị cáo khác liên đới bồi thường cho Nhà nước về hậu quả thiệt hại gây ra.
Phiên toà sẽ tiếp tục làm việc vào sáng mai.
Theo cáo buộc, hai cựu chủ tịch Đà Nẵng và 10 lãnh đạo các đơn vị dưới quyền đã đã tạo điều kiện cho Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 Dự án đất trên cơ sở tạo cơ hội cho Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng... nhằm trục lợi.
Thiệt hại tại 22 nhà đất công sản là trên 2.400 tỷ đồng; tại 7 dự án trên 19.600 tỷ đồng. Tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại là hơn 22.000 tỷ đồng, riêng Dự án 29 ha Khu đô thị Quốc tế Đa Phước số tiền thiệt hại trên 11.200 tỷ đồng.
Bảo Hà - Phạm Dự