Năm nay 28 tuổi, song Nguyễn Văn Thơ có giọng nói, dáng hình vẫn như của một học sinh THCS. Anh cao chừng 1m50, da dẻ trắng trẻo, tay chân có phần "bụ bẫm". Vẻ ngoài như thế, ít ai có thể biết được chàng trai này đã phải trải qua những nỗi đau dai dẳng về cả thể xác lẫn tinh thần do là nạn nhân của vụ nổ mìn đánh ghen kinh hoàng.
Tháng 9/2003, Thơ thi đỗ vào trường THPT Sóc Sơn. Cậu bé "nhà quê" từ cái xóm Kim Hạ (Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội) lặn lội lên xã Tiên Dược trọ học tại nhà người anh họ của mình là Nguyễn Văn Viện. Chiều hôm đó, Thơ vừa đi chợ về thì thấy chị Trần Thị Nhàn (vợ anh Viện) và anh Nguyễn Văn Thắng (sinh viên, em trai anh Viện) đang lúi húi trước cửa nhà. Trên tay chị Nhàn là vật trông giống hộp bánh.
"Sáng hôm đó, em và anh Thắng đã dọn hết đồ đạc sang một phòng khác, chuẩn bị sáng mai là chuyển hẳn, vì nhà anh Viện chật chội, lại có cháu bé hay quấy khóc. Khi em lại gần chỗ anh Thắng thấy chị Nhàn bảo với anh Thắng là "có vật gì người ta gửi cho anh trai mày, chị thấy cứ ghê ghê".
Anh Thắng bóc vỏ hộp ra đó là một chiếc đài radio to hơn viên gạch một chút, kèm một tờ giấy có ghi: "Nhờ Viện sửa giúp, mai lấy ngay". Em chỉ thấy anh Thắng bật công tắc rồi xoay cái núm thì một tiếng nổ đinh tai phát ra. Em không còn biết gì nữa, tỉnh lại thấy mình nằm trên giường bệnh.
Kể đến đây, đôi vai rung lên, gỡ chiếc kính đen ra, Thơ nghẹn ngào: "Em không biết kiếp trước mình từng làm điều gì chưa tốt hay không, mà nay em lại phải chịu nỗi đau như thế này".
Hai con mắt của Thơ đã bị hỏng hoàn toàn, sống mũi dập nát, nhiều vết sẹo ở cổ, ở ngực... tổn hại tổng cộng 94% sức khỏe và trải qua nhiều đợt điều trị dài ngày tại các bệnh viện Bạch Mai, Saint Paul... Sau đó Thơ được chuyển về bệnh viện ở Sóc Sơn. Ít lâu sau thì trở về nhà tự chữa trị.
Thơ phải nghỉ học điều trị dài ngày. Sau một vài tháng đầu còn có bạn bè, thầy cô qua lại chăm sóc, an ủi thì dần dần chỉ còn mình Thơ với bóng tối thường trực. Bao nhiêu hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ chợt tan biến. Nhiều đêm Thơ lại thấy hình ảnh chị Nhàn, anh Thắng và cháu bé hiện về. Hễ có tiếng động mạnh là Thơ lại giật mình vì sự ám ảnh quá đỗi kinh hoàng.
Cảnh sát điều tra, xác định vụ nổ kinh hoàng kia là hệ quả của một cơn cuồng ghen. Năm 2000, Lại Thị Kiều Lan nảy sinh tình cảm với anh Viện. Ít lâu sau, hai người chia tay. Lan rời Hà Nội và về quê, còn anh Viện thì lập gia đình với chị Nhàn và sinh được cháu Hoài Anh.
Lan sau đó yêu Ngô Mạnh Hùng. Khi phát hiện ra mối tình trong quá khứ của Lan, Hùng lên cơn cuồng ghen và đòi chia tay. Lan đã phải nhờ gia đình can thiệp thì Hùng mới bớt giận song yêu cầu phải nghe theo lời mình. Tuy nhiên, có số điện thoại của anh Viện, Hùng đã gọi điện tra hỏi về mối tình với Lan. Sau vài lần cãi vã với anh Viện qua điện thoại, cay đắng vì biết mình là "kẻ đổ vỏ", Hùng nảy sinh ý định phải giết anh Viện cho hả giận.
Vốn có hiểu biết về thuốc nổ, Hùng đã chế một quả mìn dưới vỏ bọc là chiếc radio. Ngày 31/10/2003, Hùng chở Lan trên xe máy tìm về nhà anh Viện tại xã Tiên Dược, gửi gói quà cho chị Nhàn rồi quay về Thái Nguyên.
Hậu quả của cơn cuồng ghen là chị Nhàn, anh Thắng và cháu Hoài Anh (mới được 2 tháng tuổi) đã tử vong. Thơ kịp thời được đưa vào bệnh viện cấp cứu nên mới giữ được mạng sống. Trả giá cho hành vi mất hết nhân tính của mình, Hùng phải chịu án tử hình; Lan lĩnh án chung thân.
Nhớ lại chuyện xảy ra từ hơn 12 năm trước, chị Nguyễn Thị Sính, mẹ Thơ kể: "May lúc đó có mấy anh công an đã đưa cháu Thơ đi chạy chữa rất nhiệt tình. Các bác sĩ khi biết hoàn cảnh của cháu đều ứa nước mắt, và cũng không ai đòi một xu tiền chữa trị hay bồi dưỡng gì cả".
Khi bệnh tình thuyên giảm, Thơ được Hội người mù huyện Sóc Sơn đến vận động tham gia hoạt động trong hội cho khuây khỏa. Cứ dăm bữa nửa tháng Thơ lại được người nhà đưa lên thị trấn Sóc Sơn để nghe nói chuyện thời sự, gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ để san sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau. Thơ được các anh chị trong hội dạy viết chữ nổi, rồi dạy học máy tính…
Nhờ các anh chị trong Hội Người mù của huyện, Thơ làm hồ sơ xin vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Ba Đình, Hà Nội), vào lớp dành cho người khiếm thị. Vậy là cứ cuối tuần Thơ lại tay xách nách mang đi xe buýt từ nhà ra Hà Nội.
"Các thầy cô ở đây tốt bụng lắm. Ngoài việc tận tình chỉ dạy cho em, còn cho em ngủ lại buổi tối. Mấy chú xe ôm cũng rất tốt bụng. Từ bến xe buýt vào trường phải hết 30.000 đồng, nhưng các chú thương em nên chỉ lấy có 15.000 thôi", Thơ kể.
Gần đây, Thơ và gia đình cảm thấy được an ủi nhiều hơn khi nhận cú điện thoại của ông Lại Văn Doanh - bố đẻ của Lan. Ông Doanh thay mặt Lan xin lỗi Thơ và gia đình những người bị hại. Ông Doanh cũng lặn lội từ Thái Nguyên về Sóc Sơn, trao tận tay Nguyễn Văn Thơ số tiền 30 triệu đồng.
Số tiền ấy rất lớn đối với gia đình Thơ, song tại thời điểm này thì cũng chỉ mang tính chất an ủi. Đôi mắt, sức khỏe của Thơ chẳng thể nào lấy lại được nữa… Ba chị gái lần lượt đi lấy chồng, chỉ còn lại mình Thơ với cha mẹ già.
Thơ giọng nghèn nghẹn tâm sự: "Có lúc em ước ao rằng giá mà trời chỉ cướp đi của em một cánh tay, hay bàn chân thôi thì em đã có thể lao động để giúp gia đình". Hằng ngày ở nhà Thơ chỉ quanh quẩn dọn dẹp, cắm được nồi cơm điện. Thơ cũng muốn vào bếp giúp mẹ, nhưng cứ lại gần bếp gas, thấy lửa là lại ám ảnh về vụ nổ. Bố Thơ từ ngày bị bệnh, phải tiến hành nhiều đợt xạ trị và uống rất nhiều loại thuốc đắt tiền. Vậy nên số tiền được ông Doanh trao cũng chỉ như gió vào nhà trống.
"Gia đình em được vào diện hộ nghèo của xã, em được hưởng trợ cấp dành cho người mất sức lao động, mỗi tháng được khoảng 500.000 đồng. Lẽ ra với mức thương tật của em thì hệ số phải cao hơn, nhưng không hiểu sao các anh ở xã, ở huyện lại chỉ cho hưởng hệ số 2.0 thôi", Thơ nói.
Tháng trước, Thơ được người quen cho một cặp chim bồ câu. Cậu chàng ra sức chăm chút để cho chúng sinh sôi nảy nở, và để hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và gia đình.
Theo An ninh thế giới