Ngô Văn Huổi (40 tuổi), Nguyễn Văn Công (nguyên Phó giám đốc, Ủy viên Hội đồng tín dụng Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam - nay là Sacombank); Phan Thị Hồng Vân (nguyên cán bộ pháp chế); Trịnh Bích Nga (nguyên Trưởng phòng kinh doanh, Ủy viên Hội đồng tín dụng Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam) vừa bị VKSND Tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Khoản 4 Điều 206 BLHS 2015.
Nhà chức trách xác định 4 bị can đã ký Hợp đồng tín dụng, biên bản họp Hội đồng tín dụng Sở giao dịch, Hợp đồng thế chấp không đúng quy định khi cho Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Bình Phát của Dương Thanh Cường vay cả trăm tỷ đồng và hàng nghìn lượng vàng, tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tuy nhiên, trên thực tế, toàn bộ bất động sản này đã được Cường gán cho Agribank chi nhánh 6 để vay 628 tỷ đồng.
Liên quan đến sai phạm này, cuối năm ngoái, Bộ Công an đã khởi tố Trầm Bê (nguyên phó Chủ tịch HĐQT Sacombank), Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank).
Theo điều tra, tháng 4/2008, Cường lấy lý do hoàn tất thủ tục sang tên các bất động sản này nên làm đơn gửi Agribank chi nhánh 6 mượn lại 23 sổ đỏ (nhưng thực chất đem Ngân hàng Phương Nam làm thủ tục vay tiền). Đến tháng 6/2009, ông Trầm Bê và thuộc cấp đã duyệt giải ngân cho Công ty Cổ phần Bình Phát của Cường tổng cộng hơn 267 tỷ đồng và 18.000 lượng vàng SJC. Tính đến đầu năm 2010, tổng dư nợ gốc, lãi tạm tính của Công ty Bình Phát tại Ngân hàng Phương Nam là 80 tỷ đồng và hơn 9.000 lượng vàng SJC.
Liên tiếp bị cáo buộc phạm tội trong nhiều vụ án, tháng 11/2015, TAND TP HCM tuyên phạt Dương Thanh Cường mức án tù chung thân về tội Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lãnh đạo và cán bộ Agribank Chi nhánh 6 cùng các bị cáo khác trong vụ án nhận 8-25 năm tù.
Toà buộc Cường bồi thường cho Agribank Chi nhánh 6 hơn 1.100 tỷ, hủy lệnh kê biên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cường rút từ Agribank Chi nhánh 6 để giao cho Ngân hàng Phương Nam quản lý, bởi hiện nay Ngân hàng Phương Nam là đơn vị quản lý hợp pháp, Agribank chỉ nắm giữ bản sao. Việc để cho Cường mang những giấy tờ này sang Phương Nam tiếp tục thế chấp vay tiền tiếp là lỗi của Agribank.
Bản án này được tòa phúc thẩm giữ nguyên. Tuy nhiên, TAND Tối cao sau đó kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về phần dân sự - tức xem xét lại quyết định trả cho Phương Nam 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 3/5 TAND TP HCM xử sơ thẩm lần 2, tiếp tục kê biên các tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án 171 tỷ đồng đối với Agribank Chi nhánh 6. Đối với Ngân hàng Phương Nam, HĐXX cho rằng, những sai phạm của một số cán bộ trong việc nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho Cường vay đang bị điều tra, nên quyền lợi của nhà băng sẽ được xem xét khi vụ án được đưa ra xét xử.
Hải Duyên