Câu hỏi được bà Hoa đưa ra tại buổi làm việc với Uỷ ban Tư pháp giám sát chuyên đề "việc chấp hành pháp luật về giám định trong tố tụng hình sự" trong ngày 7/8. Theo bà, mới đây Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng, khẳng định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân trong vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có thể là nhiễm độc đa chất chứ không phải là đơn chất như kết luận điều tra.
"Bộ Công an và Bộ Y tế báo cáo tại sao xảy ra tình trạng vụ án đã xét xử phúc thẩm xong lại có báo cáo khác về nguyên nhân gây chết? Cơ quan nào giám định tử thi trong vụ việc này và nếu đúng sai sót thì xử lý thế nào?", bà thắc mắc.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cũng băn khoăn trước thông tin Vụ trưởng Pháp chế của Bộ Y tế nói do hệ thống lọc nước có vấn đề nhưng trong quá trình điều tra, hệ thống này lại bị tháo ra đem bán. Bộ Y tế mới đây đã cho người đi tìm mua lại để lắp ráp, khôi phục.
"Việc này có thật không? Nếu thiết bị này liên quan trực tiếp đến hậu quả vụ án thì có phải là đối tượng cần được giám định không? Thực tế, nó đã được giám định hay chưa? Nếu nó có vai trò như vậy thì đây phải là chứng cứ trong vụ án, tại sao tháo ra bán?", ông Sơn nêu câu hỏi.
Giải đáp chất vấn của các thành viên Uỷ ban Tư pháp, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho hay đây là vấn đề còn bàn cãi về mặt khoa học và không đủ điều kiện để nêu lại vấn đề tại buổi làm việc.
Theo thượng tướng, nội dung "chứng cứ mới" về nguyên nhân cái chết mà báo chí nêu những ngày qua thực chất đã được Bộ Y tế nêu trong công văn gửi Thủ tướng từ ngày 6/3. Khi đưa vụ án ra xét xử phiên phúc thẩm, cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cũng đã phối hợp với các ngành chức năng để thảo luận kỹ.
Khi đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong của 8 nạn nhân, Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) đã tổ chức hội thảo khoa học, mời các nhà khoa học, chuyên gia của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, ĐH Y Hà Nội, Viện pháp y quân đội, Viện pháp y quốc gia... tham gia và xem xét rất kỹ.
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn cũng cho hay, vấn đề này đã họp, thống nhất và có báo cáo Chính phủ về nguyên nhân dẫn đến tử vong chứ không phải "xét xử xong rồi, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân lại khác đi".
Thứ trưởng Trương Quốc Cường, đại diện Bộ Y tế, dự cuộc làm việc cho biết "không có ý kiến gì thêm" vì đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Không đồng tình với phần giải trình của ông Cường, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nói, những diễn biến vừa qua cho thấy ý kiến của Bộ Y tế không giống thông tin ông Lê Quý Vương và Trần Công Phàn đã nói. Cụ thể, Vụ trưởng Pháp chế của Bộ Y tế cung cấp cho báo chí hai thông tin đáng chú ý. Thứ nhất, có căn cứ để khẳng định rằng nguyên nhân cái chết này không phải là như kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng và bản án của tòa án. Thứ hai, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Thủ tướng để kiến nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với vụ án này.
"Đề nghị Bộ Y tế phải coi lại vấn đề này vì những thông tin Bộ đưa ra đang tạo hệ lụy về chính trị tư pháp rất nguy hiểm", ông Sơn nói.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, theo quy định, sau sơ thẩm thì có quyền kháng cáo, kháng nghị. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay, nếu phát hiện trong quá trình xét xử có sai lầm về mặt thủ tục tố tụng hoặc sai lầm nghiêm trọng về mặt nội dung thì có quyền kháng nghị để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. Nếu có tình tiết mới mà tình tiết này khi xét xử không có khả năng làm rõ thì kháng nghị, giải quyết theo thủ tục tái thẩm. Nếu Bộ Y tế phát hiện lý do chết không như kết luận điều tra thì đây là tình tiết mới. Vụ án có thể được kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Nhưng nếu thông tin này đã đưa ra tại phiên phúc thẩm nghĩa là không còn mới thì chỉ có quyền kháng nghị trong trường hợp sai lầm về mặt nội dung hoặc sai lầm nghiêm trọng về mặt tố tụng, có thể ảnh hưởng đến vụ án.
Hai ngày trước, 5/8, tiến sĩ Lê Thanh Hải (Viện trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) và đại diện nhóm các nhà khoa học thực nghiệm lại quá trình sục rửa hai hệ thống xử lý nước RO1 và RO2 trong chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Do ba van nước của hệ thống lọc nước RO1 bị hỏng nên nguồn nước này chứa các hóa chất như Javen và nhiều chất bong trôi trong các cột lọc đầu của hệ thống RO1. Như vậy, người bệnh đã chạy thận bằng nguồn nước ô nhiễm đa hóa chất. "Viện Khoa học hình sự đã tìm thấy ba van nước bị hỏng như đã nêu trên nhưng cơ quan điều tra lại bỏ qua chi tiết quan trọng này dẫn đến nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân bị sai lệch", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế) cho biết, những tình tiết trên đã được Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng và sẽ nêu tại bản kiến nghị gửi tới VKSND Tối cao và TAND Tối cao trong tuần này.
Vụ án xảy ra vào sáng 29/5/2017 khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong.
Tại phiên phúc thẩm mở cuối tháng 6, TAND tỉnh Hòa Bình tuyên phạt Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ) án 30 tháng tù về tội Vô ý làm chết người. Ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc) mỗi người 30 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thiên Sơn) 24 tháng tù treo.
Bị cáo Trần Văn Sơn (nguyên cán bộ phòng vật tư) và Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc Công ty Trâm Anh) không kháng cáo, chấp nhận án phạt 42 và 54 tháng tù.