Sáng 20/11, Quốc hội đã thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi) với 416/464 đại biểu có mặt tán thành, đạt gần 86%; có 40 đại biểu bấm nút không đồng ý thông qua luật, chiếm hơn 8,2%. Đây là tỷ lệ không đồng ý nhiều hơn so với một số Luật được Quốc hội thông qua gần đây.
Khi biểu quyết thông qua điều 25 quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân, chỉ có 354/465 đại biểu có mặt tán thành, đạt gần 73%.
Theo điều 25, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan là: Đại tướng với Bộ trưởng Công an; Thượng tướng với Thứ trưởng, số lượng không quá 6; Trung tướng, số lượng không quá 35 và Thiếu tướng, không quá 157. Đây là điểm mới so với Luật hiện hành, vì đạo luật thông qua trước đây không quy định cứng số lượng Trung tướng và Thiếu tướng.
Những người có cấp bậc hàm Trung tướng gồm Cục trưởng, Tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Các đơn vị này phải có một trong các tiêu chí, như: Chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược, đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, trực tiếp chủ trì phối hợp hoặc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; có chức năng nghiên cứu, hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ toàn lực lượng.
Những người có cấp bậc hàm Thiếu tướng gồm Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương; Giám đốc Công an tỉnh, thành trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông (số lượng không quá 11); Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương (số lượng không quá 3).
Bên cạnh đó, cấp bậc hàm Thiếu tướng còn dành cho Phó cục trưởng, Phó tư lệnh và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an (17 đơn vị mỗi đơn vị không quá 4, các đơn vị còn lại mỗi đơn vị không quá 3); Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó giám đốc Công an TP HCM (mỗi đơn vị không quá 3)...
Sỹ quan biệt phái được hưởng chính sách như công tác trong ngành
Theo điều 29 Luật Công an nhân dân (sửa đổi), căn cứ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, cấp có thẩm quyền quyết định biệt phái sĩ quan đến công tác tại cơ quan, tổ chức ngoài lực lượng theo quy định của pháp luật.
Sĩ quan biệt phái được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan đang công tác trong Công an nhân dân; khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được bổ nhiệm chức vụ tương đương chức vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.