TAND TP HCM ngày 22/1 mở phiên xử phúc thẩm, xem xét yêu cầu của ông Anthony James Fields (47 tuổi, quốc tịch Anh) đòi Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Theo nội dung vụ án, ông Fields có hơn 10 năm làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực quản lý cấp cao. Tháng 4/2015, ông được Công ty Windsor ký hợp đồng thử việc với vai trò làm quản lý tòa nhà Times Square và Union Square (quận 1). Thời gian thử việc 3 tháng (20/8/2015-20/11/2015) với mức lương 6.500 USD và 10 triệu đồng trợ cấp ăn trưa mỗi tháng. Lương trước thuế trong thời gian này là 9.000 USD, sau thử việc sẽ tăng lên 11.400 USD và công ty sẽ thảo luận với ông về hợp đồng thời hạn hai năm.
Trong bản báo cáo gửi Công ty Windsor ngày 20/11/2015, ông Fields đánh giá mình đã hoàn thành công việc được giao. Tuy nhiên, gần một tuần sau công ty thông báo chấm dứt hợp đồng do kết quả thử việc không đạt yêu cầu, đề nghị ông ký vào đơn xin nghỉ và bàn giao lại công việc.
Ông Fields nhiều lần đề nghị công ty xem xét lại thông báo chấm dứt hợp đồng thử việc nhưng đều bị công ty từ chối. Tháng 7/2016, ông khởi kiện yêu cầu công ty phải nhận trở lại làm việc, trả hơn 2 tỷ đồng tiền lương trong những ngày không được làm việc và bồi thường thêm hai tháng lương (khoảng hơn 500 triệu đồng).
Theo nguyên đơn, Công ty Windsor chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, bởi ông thuộc trường hợp có chuyên môn cao, thời gian thử việc "không được quá 60 ngày" (quy định tại Luật Lao động). Do vậy thời gian thử việc của ông chỉ đến ngày 20/10/2015, sau thời gian này ông tiếp tục làm việc cho công ty thì đương nhiên trở thành lao động chính. Nhưng từ tháng 8 đến 11/2015, ông chỉ được nhận mức lương 6.500 USD mỗi tháng.
Đến tháng 7 năm ngoái, ông rút lại yêu cầu công ty phải nhận trở lại làm việc, tăng số tiền bồi thường lên tổng cộng 5,8 tỷ đồng gồm tiền lương do không được làm việc trong gần hai năm và tổn thất tinh thần.
Công ty Windsor không đồng ý với quan điểm của ông Fields, bởi họ chỉ mới ký thử việc, chưa có hợp đồng lao động chính thức. Việc chấm dứt hợp đồng là do ông Fields không đáp ứng được các yêu cầu về thời gian, mục tiêu quy định trong bản mô tả công việc, để xảy ra nhiều sự cố... Hơn nữa, ngày 26/11/2015, ông Fields có đơn xin nghỉ việc nên công ty chấp thuận theo nguyện vọng.
Quá trình giải quyết vụ án hai bên nhiều lần đàm phán. Công ty Windsor đồng ý hỗ trợ hai tháng lương với điều kiện các bên đạt được thỏa thuận. Trong buổi hòa giải hồi tháng 8 năm ngoái, bị đơn đồng ý trả đủ 100% lương đối với khoảng thời gian thử việc vượt quá là 36 ngày nhưng bất thành.
Tại phiên sơ thẩm của TAND quận 1 tháng 9/2018, phía ông Fields thay đổi yêu cầu khởi kiện, buộc Công ty Windsor bồi thường tiền lương trước thuế tính đến thời điểm khởi kiện là hơn 9 tỷ đồng cùng 650 triệu tiền tổn thất tinh thần và chênh lệch giữa những ngày làm việc chính thức. Tuy nhiên, tòa chỉ chấp nhận xem xét con số trên biên bản trước đó.
Theo HĐXX, giữa Công ty Windsor và ông Fields có thiết lập quan hệ lao động. Tuy nhiên, hợp đồng thử việc hai bên ký kết là vô hiệu do không đảm bảo về thời gian cũng như nội dung. Theo luật, thời gian thử việc trong trường hợp của ông Fields là "không được quá 60 ngày". Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép nhưng trong thời gian thử việc ông Fields chưa được cấp. Do đó, các bên phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.
Cũng theo tòa, ngày 26/11/2015, ông Fields có đơn xin nghỉ việc, không có chứng cứ cho thấy ông bị ép buộc khi viết đơn. Vì vậy, việc công ty ra thông báo chấm dứt hợp đồng là có căn cứ.
Từ đó, HĐXX bác yêu cầu của ông Fields, chỉ chấp nhận buộc Công ty Windsor bồi thường hơn 21 triệu đồng do vượt quá thời gian thử việc sau khi trừ đi các khoản thực tế đã nhận. Không đồng ý với phán quyết này, ông Fields kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại phiên phúc thẩm các bên bảo lưu ý kiến. Đại diện nguyên đơn cho biết thêm, việc ông Fields không có giấy phép lao động trong thời gian thử việc là do lỗi của công ty. Ông đã chủ động giục công ty sớm hoàn thành thủ tục này.
HĐXX dự kiến tuyên án vào ngày 29/1.
Hải Duyên