Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, ba nghi phạm xả chất thải xuống nguồn nước của nhà máy Sông Đà là Lý Đình Vũ (37 tuổi), Nguyễn Chương Đại (25 tuổi) cùng trú Bắc Ninh và Hoàng Văn Thám (33 tuổi) trú Lạng Sơn.
Ngày 17/10, công an đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp với Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám và tiếp tục truy bắt Lý Đình Vũ.
Tại cơ quan điều tra, Đại và Thám khai, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái xe ôtô tải đi từ Bắc Ninh đến một công ty ở Phú Thọ lấy chất thải, bơm vào 10 thùng chứa, tổng dung tích khoảng 10 m3.
Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ lái xe tải và xe bốn chỗ, đưa chất thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ trộm rồi bỏ trốn.
Ôtô tải biển kiểm soát 99C-087.83 thuộc Công ty TNHH TM và vận tải du lịch Minh Phương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Còn ôtô 4 chỗ biển kiểm soát 89A-137.66 có chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền (trú huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Cả hai chiếc ôtô đều bị thu giữ phục vụ điều tra.
Công an Hòa Bình tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng Bộ Công an xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan việc xử lý nguồn nước ô nhiễm cung cấp cho TP Hà Nội.
Hôm 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình đã khởi tố vụ án Gây ô nhiễm môi trường, theo điều 235 Bộ luật Hình sự 2015. Một ngày sau, cơ quan này chuyển hồ sơ vụ án lên Công an tỉnh.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Trong khi đó, theo báo cáo của thành phố Hà Nội, một số cán bộ Tổng công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà phát hiện việc này từ sáng 8/10, nhưng đã không báo cáo cơ quan chức năng; không có hành vi ứng cứu, ngăn chặn ô nhiễm.
Từ phản ánh của người dân, ngày 11/10 Hà Nội lập đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu nước xét nghiệm.
Ngày 15/10, gần một tuần sau khi xuất hiện tình trạng nước bẩn, Hà Nội họp báo cho hay kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ liên quan đến chất Styren. Đến lúc này, thành phố mới đưa khuyến cáo người dân "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".
Nước ô nhiễm gây đảo lộn cuộc sống của hơn 250.000 hộ gia đình ở nhiều quận nội thành.
Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015: Tùy vào lượng chất thải nguy hại, khí thải, nước thải, chất thải rắn thông thường, hoặc chất thải rắn và khí thải có chứa chất phóng xạ bị phát tán ra môi trường, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng tới 7 năm hoặc bị phạt tiền từ 50 triệu đồng tới 3 tỷ đồng.
Nếu là pháp nhân thương mại, chủ thể sẽ bị phạt tiền từ 3 tới 20 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng tới 3 năm hoặc vĩnh viễn.