Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo công an xã Thuận Giao (huyện Thuận An, Bình Dương) cho biết, trong buổi làm việc đầu tiên với cơ quan chức năng, bà Trần Thị Phụng khai đã tắm cho bé gái 3 tuổi theo kiểu như trong clip suốt một năm qua. Giải thích cho những hành vi bạo hành của mình, bà Phụng nại: “Do con bé mỗi lần tắm là vùng vằng làm nước văng tung toé nên tôi mới nóng giận mà làm như thế. Tay tôi mắc xối nước thì phải lấy chân chà chà như vậy cho nó sạch”.
“Ngay sau khi lấy lời khai ban đầu, chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ và giao bà Phụng cho công an huyện Thuận An để giải quyết, xử lý theo thẩm quyền”, trưởng công an xã Thuận Giao nói.
Bà Phụng đã tắm cho cháu bé kiểu này trong suốt một năm. Ảnh cắt từ clip |
Còn theo một số luật sư, hành vi tàn bạo của bà Trần Thị Phụng đối với bé gái 3 tuổi được ghi lại trong clip không chỉ vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, qua thông tin báo chí phản ánh và kết quả lời khai ban đầu của bà Phụng với cơ quan chức năng ở Thuận Giao đã xác định bà này có hành vi ngược đãi bé gái trong suốt một thời gian dài. Đó là việc hành hạ dã man, xem thường sức khỏe tính mạng của trẻ em, được lặp đi lặp lại và kéo dài nhiều lần, đã gây tổn hại cho các cháu không những về thể xác mà còn cả về tinh thần. Các dấu hiệu này đủ cơ sở cấu thành tội “hành hạ người khác” theo Điều 110 BLHS.
Vị luật sư này cũng cho hay, nếu cơ quan điều tra chứng minh được bà Phụng đã phạm vào tội “hành hạ người khác” thì không nhất thiết phải có thương tích xảy ra, mà chỉ cần có hành vi đánh đập dã man, đối xử tàn ác với cháu bé (người lệ thuộc mình) là có căn cứ buộc bà này phải bồi thường cho nạn nhân. Mặt khác, nếu chứng minh hành vi của bà Phụng gây nên những tổn thất về mặt tinh thần, những sang chấn về tâm lý sau này, cùng với những tổn thất vật chất khác thì cha mẹ của cháu bé hoàn toàn có thể yêu cầu tòa án buộc bà Phụng phải bồi thường.
“Hành vi này của bà Phụng đã xâm phạm nghiêm trọng đến thân thể, nhân phẩm, sức khỏe của trẻ em nên cần được xử lý kịp thời và nghiêm minh trước pháp luật”, ông Trạch nói.
Cháu bé đang được khám tổng quát. Ảnh: Minh Tâm |
Đề cập đến vai trò, trách nhiệm của người đứng quay clip bà Phụng hành hạ cháu bé, luật sư Trạch cho rằng cần phải đánh giá mục đích việc làm này của họ. Việc họ quay clip nhưng lại không đến cơ quan công an tố cáo, cung cấp bằng chứng về hành vi phạm tội của bà Phụng mà lại tung lên mạng cũng có thể là họ sợ bị trả thù. Xét cho cùng, mọi công dân đều có nghĩa vụ tích cực đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Người chủ của clip này đưa nó lên mạng cũng nhằm mục đích cho xã hội biết về hành vi trái pháp luật và đạo đức của bà Phụng mà thôi.
Là người từng nhiều lần tự nguyện tham gia bảo vệ quyền lợi cho các cháu bé là nạn nhân của các vụ bạo hành, luật sư Trạch không khỏi xót xa khi nhận thấy các vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em từ cơ sở giữ trẻ ngày một nhiều hơn cả về số lượng lẫn tính chất nghiêm trọng.
“Đây là một bài học về công tác quản lý cho các cấp chính quyền địa phương. Những dấu hiệu cảnh báo này cần được nhanh chóng xử lý và các cấp chính quyền nên có những động thái rà soát lại các cơ sở trông giữ trẻ, chấn chỉnh lại tính tự phát của hoạt động này. Và điều quan trọng hơn vẫn là sự quan tâm của các bậc làm cha, mẹ nên chọn lựa những cơ sở giữ trẻ có uy tín, được cấp giấy phép hoạt động rõ ràng để gửi con em mình”, ông Trạch nói.
Bà Phụng trước khi bị mời về trụ sở công an. Ảnh: Minh Tâm. |
Tương tự, luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người Nghèo) cho biết, những hành vi đánh đập, nắm tóc, tạt nước vào mặt cháu bé của “ bảo mẫu” trong clip dấu hiệu vi phạm pháp luật đã rõ, dù rằng bà này có đưa ra lý do chỉ vì nóng giận nhất thời. Thực chất đây là một dạng bạo hành trẻ em mà xã hội đang báo động trong thời gian gần đây. Đặc biệt loại vi phạm này rất khó bị phát hiện vì nạn nhân chỉ là những đứa trẻ không có khả năng nhận thức để tố cáo, còn gia đình nạn nhân lại chẳng mấy nghi ngờ.
Cũng theo luật sư Trịnh Thanh, hành vi vi phạm trên là rất nghiêm trọng, có dấu hiệu cấu thành tội “hành hạ người khác” được quy định tại khoản 2 (phạm tội đối với trẻ em) Điều 110 BLHS với mức hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù. Ngoài ra, khi tiến hành điều tra, cơ quan chức năng cần xác định thêm động cơ, mục đích của người quay clip và đưa lên mạng để xác định rõ vai trò của người này trong vụ án.
"Về trách nhiệm dân sự, gia đình bé gái có quyền yêu cầu người vi phạm phải bồi thường thiệt về vật chất, tinh thần cho cháu bé", ông Thanh kết luận.
Vũ Mai