Trong ngày 30-31/3, các thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến về nội dung "người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội", theo quy định tại các điều 40, 41, 42, 43 của Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Từ những quyền này, nhiều đại biểu đã liên hệ và tranh luận thêm về “quyền im lặng” của nghi can. Một số ý kiến ủng hộ áp dụng "quyền im lặng" bởi pháp luật hiện hành chỉ quy định nghi can "có thể thực hiện quyền khai hoặc không khai".
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương chia sẻ: “Tôi băn khoăn lắm về câu chuyện “quyền im lặng", nếu đưa vào luật thì chẳng ai làm được”. Thượng tướng Vương phân tích, trước một vụ án thì cơ quan điều tra phải bảo vệ bị hại. "Họ chết rồi có tỉnh lại để tố giác tội phạm không?", ông nói và cho rằng cần phải xem xét quy định này một cách thấu đáo, công bằng nếu không sẽ gây khó cho cơ quan điều tra.
Thứ trưởng Bộ Công an đề xuất nên quy định theo hướng nghi can có quyền tự do trình bày lời khai, ý kiến; không bị ép buộc đưa ra lời khai bất lợi cho mình hoặc bị ép buộc nhận có tội. “Anh được bảo vệ quyền lợi nhưng cũng phải tôn trọng lời khai. Chứ chém, giết người mà đưa vào cơ quan điều tra lại im lặng mấy ngày chờ luật sư đến theo đúng luật thì chả ai làm được”, ông Vương nói.
Ủy viên Phạm Xuân Thường cho rằng quyền của nghi can càng được quy định cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Khi đó các cơ quan tiến hành tố tụng cũng biết được đây là quyền của bị can, bị cáo để có cách xử lý cho đúng. “Nhiều khi rõ ràng đó là quyền của bị cáo nhưng trong bản án lại đánh giá việc không khai nhận là quanh co, chối tội rồi lấy đó làm tình tiết tăng nặng thì không công bằng”, ông Thường nêu ý kiến.
Viện trưởng VKSD Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay trong luật của nhiều nước và công ước Liên Hợp Quốc về quyền dân sự và chính trị của con người thì người ta gọi đây là “quyền không buộc ra lời khai chống lại mình”. "Nếu nghi can im lặng khi khai về tội của mình thì đó không phải là tình tiết tăng nặng, song anh ta im lặng không khai về đồng phạm thì lại là tình tiết tăng nặng, thậm chí còn có thể bị truy tố thêm tội Không tố giác tội phạm", ông Bình nói.
Người đứng đầu VKSND Tối cao đề nghị không nên quy định trong luật là “quyền im lặng” vì dễ khiến người ta hiểu lầm là bị can, bị cáo có quyền im lặng không khai báo gì.
Kết luận các ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay Ủy ban thống nhất không nên đưa nội dung “quyền im lặng” vào dự thảo luật. "Có thể quy định người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ có quyền tự do trình bày lời khai, ý kiến của mình. Họ không bị ép buộc đưa ra lời khai chống lại mình, không ép buộc phải nhận tội", ông nói và cho biết luật không cấm nhưng ai cũng hiểu rằng không khuyến khích im lặng.
Ông Hiện nhận định dự thảo còn có một số đề xuất thiếu tính thực tiễn, thậm chí là quy định “trên trời”, điển hình nội dung bị can có quyền kiểm tra sức khỏe trước khi bị tạm giữ. “Nên xem lại chứ không đưa ra trình Quốc hội họ lại tưởng chúng ta bị ngớ ngẩn”, ông Hiện dặn dò cơ quan soạn thảo.
Dự thảo bộ luật này sẽ được trình Thường vụ Quốc hội xin ý kiến và sẽ còn nhiều lần được thẩm tra, cho ý kiến.
Bảo Hà